Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nuôi cá nước lạnh - Hướng phát triển mới ở vùng cao Bình Liêu

Nghĩa Hiệp - 16:29, 01/06/2021

Đồng Văn là xã biên giới vùng cao của huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Trong chuyến công tác về Đồng Văn, chúng tôi đã được gặp anh Đoàn Đình Kha, Giám đốc HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc, người tiên phong thử nghiệm nuôi cá nước lạnh cho thu nhập tiền tỷ. Mô hình thành công đang được kỳ vọng mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho đồng bào dân tộc Dao nơi đây.


Năm 2020 HTX cung cấp ra thị trường 2 vụ, mỗi vụ 3,5 tấn cá, thu nhập 1,7 tỷ đồng.(Trong ảnh: Anh Đoàn Đình Kha thu hoạch cá)
Năm 2020 HTX cung cấp ra thị trường 2 vụ, mỗi vụ 3,5 tấn cá, thu nhập 1,7 tỷ đồng.(Trong ảnh: Anh Đoàn Đình Kha thu hoạch cá)

Bình Liêu là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi như, khí hậu chênh lệch về nhiệt độ giữa mùa đông và mùa hè không cao như những nơi khác, trung bình mùa hè 22 độ C, mùa đông luôn trên 15 độ C; có nhiều khu vực địa hình đồi núi dốc, chia cắt, tạo thành các vùng nước tĩnh với nguồn nước ổn định, rất thuận lợi để nuôi các loài cá, ưa môi trường nước lạnh, trong đó có những loại cá giá trị như cá tầm, cá hồi…

Để khai thác tiềm năng tự nhiên đó, năm 2015, huyện Bình Liêu đã quy hoạch 2 vùng nuôi cá nước lạnh tập trung, ở thôn Sú Cáu (xã Húc Động) và thôn Khe Tiền (xã Đồng Văn). Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, được giao hướng dẫn kỹ thuật, triển khai thí điểm. Hợp tác xã (HTX) Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc ở thôn Khe Tiền, do anh Đoàn Đình Kha làm Giám đốc, là đơn vị đầu tiên tham gia mô hình.

Nhớ lại những ngày đầu học kỹ thuật nuôi cá, tìm, chọn giống cá thích hợp để nuôi, anh Đoàn Đình Kha cho biết, tham gia dự án, anh được Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện hướng dẫn kỹ thuật, sau đó đưa đi học tập tại một số địa phương. 

"Tôi nhận thấy giống cá tầm được ươm từ Sa Pa (Lào Cai) là giống cá thích hợp, dễ nuôi. Hơn nữa khí hậu tại Bình Liêu được ví như Sapa thu nhỏ, có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên. Vì thế tôi đã lựa chọn mang cá giống tại Sapa về nuôi ở Bình Liêu. Ban đầu thì chỉ dám nhập 300 con, sau cá sinh trưởng tốt, tôi nhập số lượng nhiều hơn”, anh Kha chia sẻ.

Áp dụng kiến thức đã học, tìm hiểu thêm về cách nuôi, tỉ lệ cá của HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc sống lên đến 90%. Sau đó, HTX tiếp tục nhập hơn 1 vạn con cá tầm, với giá khoảng 8.000 đồng/con. Ao nuôi được bố trí theo kiểu phân cấp từ trên cao xuống thông qua đập nước và hệ thống ống dẫn phi 140 và phi 90 để nguồn nước có thể lưu thông liên tục, đảm bảo cung cấp lượng oxi cần thiết cho cá. Cá khi được một tuần tuổi được nuôi trong ao nhỏ có diện tích 3m2. 

Sau 3 tháng cá phát triển đạt 100g/con chuyển sang ao có diện tích 12m2; cá đạt 500g/con chuyển sang ao nuôi 30m2; cá tầm đạt trọng lượng 1kg/con sẽ chuyển sang ao lớn có diện tích 300m2 đến lúc thu hoạch.

Cá tầm tại thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn hợp khí hậu, sinh trưởng tốt, con to nhất đạt 40kg
Cá tầm tại thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn hợp khí hậu, sinh trưởng tốt, con to nhất đạt 40kg

Chia sẻ về vụ thu hoạch cá đầu tiên, anh Kha cho biết: “Tuy thời gian nuôi lâu, từ 13-17 tháng mới thu hoạch, nhưng cá tầm có trọng lượng lớn, có thể đạt 30kg/con, thậm chí lên tới 40kg/con. Năm đầu tiên HTX đã có thu nhập hơn 500 triệu đồng từ nuôi cá. Năm 2020 HTX cung cấp ra thị trường 2 vụ, mỗi vụ 3,5 tấn cá, thu nhập 1,7 tỷ đồng.

Hiện HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc đang tạo việc làm ổn định cho 7 lao động là người dân tộc Dao sinh sống trên đia bàn, với mức thu nhập trung bình từ 5-6 triệu đồng/tháng. “Những lao động này cũng đã được tôi đào tạo kỹ về chuyên môn, kiến thức, có thể trở thành những xã viên", anh Kha chia sẻ. 

Theo anh Kha, với số lượng cung ứng ra thị trường như hiện nay của HTX, vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường tỉnh Quảng Ninh. Huyện và tỉnh cũng đã có chủ trương  mở rộng thêm quy mô, với việc tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình để các hộ dân mạnh dạn tham gia.

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đánh giá: Mô hình nuôi cá của HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc sau 5 năm xây dựng, đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, cũng như thay đổi tư duy về xây dựng mô hình kinh tế  cho các hộ dân nơi đây.  

Do đó, để mở rộng, phát triển quy mô mô hình, giúp người dân thoát nghèo, tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ đầu tư xây dựng đập trữ nước tại thôn Khe Tiền, đập sẽ lưu trữ nguồn nước, phân 2 luồng cho phát triển mở rộng quy mô nuôi cá và phục vụ tưới tiêu cho bà con trong xã, đảm bảo có đủ nước sử dụng quanh năm; đồng thời cũng góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.