Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Ô nhiễm môi trường từ một trang trại ở Thanh Hóa: Dân từng giờ phải chịu mùi hôi thối, xã bảo chờ ?!

Quỳnh Trâm - 20:34, 07/08/2020

Hàng chục hộ dân ở thôn Giàu Cả, xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã đồng loạt gửi đơn cho Báo Dân tộc và Phát triển, phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường từ một trang trại nuôi lợn tại địa phương.

Nước thải được dẫn bằng ống nhựa từ trong khuôn viên trại lợn ra ngoài
Nước thải được dẫn bằng ống nhựa từ trong khuôn viên trại lợn ra ngoài

Trong đơn, người dân ở thôn Giàu Cả, xã Lương Ngoại, nêu: Gần 1 tháng nay, trại nuôi lợn của gia đình bà Trương Thị Liên tiếp tục thả lợn và tiến hành xả thải. Việc xả thải của trại nuôi lợn nhà bà Liên tràn ra ruộng mía của người dân cách trại nuôi lợn vài chục mét, gây mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân trong thôn. Trong đơn thư, người dân cho biết, tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài, người dân cũng có đơn đề nghị các cơ quan chức năng về kiểm tra, xử lý. Thế nhưng, sau khi xuất chuồng một lứa lợn xong, chủ trại lợn không dừng lại để xử lý việc ô nhiễm, mà tiếp tục nuôi lứa mới với số lượng cả nghìn con.

Qua khảo sát thực tế của phóng viên, trại nuôi lợn của gia đình bà Liên cách khu dân cư Giàu Cả chỉ hơn 70m. Đặc biệt, nước thải của hồ chứa tràn ra ruộng mía của người dân, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Ông Trương Thánh Giống (62 tuổi) ở thôn Giàu Cả cho biết: Ngoài mùi hôi thối, nước thải còn ngấm xuống nguồn nước giếng đào và giếng khoan của một số hộ dân... Người dân đã phản ánh, kiến nghị nhiều lần nhưng bà Liên vẫn không khắc phục. “Chúng tôi đề nghị cấp có thẩm quyền về kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm này”.

Trước phản ánh của người dân, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển cũng đã gặp bà Trương Thị Liên, chủ trang trại lợn nêu vấn đề bức xúc của người dân. Bà Liên thừa nhận, có tình trạng ô nhiễm môi trường từ khu chăn nuôi của gia đình. Bà Liên phân trần, trong quá trình sản xuất, chăn nuôi gia đình cũng chấp hành đầy đủ các quy trình theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình hút phân lợn, thì xảy ra sự cố nên nước thải tràn ao chứa rồi chảy ra ruộng mía. Bà cũng đã xin lỗi mọi người và hứa xử lý tình trạng này.

Cũng qua tìm hiểu của phóng viên được biết, ngày 1/4, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa có công văn yêu cầu gia đình bà Liên, phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường của trại lợn. Sau khi khắc phục xong mới được đưa lứa lợn thứ 2 vào nuôi. Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu gia đình bà Liên không được nuôi quá 500 con/lứa để bảo đảm môi trường. Song từ ngày có công văn đến nay đã hơn 4 tháng, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được gia đình bà Liên khắc phục. 

Làm việc với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trương Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Lương Ngoại cho biết: Người dân thôn Giàu Cả phản ánh về tình trạng trại nuôi lợn của gia đình bà Trương Thị Liên gây ô nhiễm môi trường là đúng. Sự việc này xã cũng đã báo cáo lên huyện và đề nghị cấp trên về kiểm tra, để có hướng xử lý dứt điểm. 

Theo ông Trương Ngọc Hoàng, ngày 4/8 vừa qua, hàng chục người dân thôn Giàu Cả đến UBND xã xin phép lên UBND huyện kiến nghị. Tuy nhiên, thời điểm này, huyện đang chuẩn bị cho kỳ Đại hội Đảng bộ nên chúng tôi cũng đã khuyên nhủ và động viên bà con cứ bình tĩnh, chờ một vài hôm nữa. Do đó, bà con đều đồng thuận trở về nhà để chờ cấp trên xuống kiểm tra, xử lý.

Người dân thôn Giàu Cả phản ánh về tình trạng trại nuôi lợn của gia đình bà Trương Thị Liên gây ô nhiễm môi trường là đúng. Sự việc này xã cũng đã báo cáo lên huyện và đề nghị cấp trên về kiểm tra, để có hướng xử lý dứt điểm”.

Ông Trương Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Lương Ngoại.


Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.