Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Ổn định dân cư để phát triển bền vững: Nhu cầu cấp bách từ thực tế (Bài 1)

Tùng Nguyên - 06:13, 11/12/2023

LTS: Sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, hạn chế di cư tự phát được xác định là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để triển khai thực hiện. Đây cũng là một trong những nội dung và là giải pháp để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình MTQG 1719).

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến năm 2030, cả nước cần bố trí, sắp xếp ổn định cho khoảng 253 nghìn hộ. Nhiệm vụ sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ngày càng khó khăn trước diễn biến bất thường của thiên tai do biến đổi khí hậu.

Đợt mưa lớn đầu tháng 10/2022 gây ra trận lũ ống, lũ quét tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Đợt mưa lớn đầu tháng 10/2022 gây ra trận lũ ống, lũ quét tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Nguy hiểm thường trực

Đầu tháng 10/2022, trên địa bàn huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) đã xảy ra trận lũ quét lịch sử, kéo theo lượng đất đá lớn đổ về làm sập và vùi lấp nhiều ngôi nhà, nhiều tuyến đường bị vùi lấp và sạt lở nghiêm trọng, hệ thống cầu tràn và cống trên tuyến bị hư hỏng nặng nề. Hậu quả của đợt lũ ống, lũ quét làm 01 người chết, 210 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó, 72 hộ bị trôi nhà và đổ sập hoàn toàn (54 hộ có nhà bị cuốn trôi).

Nguy cơ thiên tai gây hậu quả nặng nề ở Nghệ An vẫn luôn thường trực, bởi theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, trên địa bàn hiện có 373 điểm sạt trượt nguy cơ cao, trong đó có 274 điểm sạt lở vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS. Trong khi đó, một bộ phận dân cư ở không theo quy hoạch, chủ yếu là tập trung dọc hai bên khe suối để thuận tiện cho việc sản xuất; vì vậy khi có lũ ống, lũ quét sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại về tài sản.

Còn tại Quảng Nam, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai. Trong đó, ở địa bàn trung du, miền núi, nhất là ở 06 huyện miền núi cao của tỉnh, do địa hình rất phức tạp, có độ dốc lớn, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối; các khu dân cư ở chân núi, lưng chừng núi tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất rất cao, các khu dân cư ở khu vực trũng thấp thì có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét, sạt lở bờ sông, suối. Giữa tháng 10/2023, trước tình hình mưa lớn kéo dài, tỉnh đã phải nâng cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 3 (rủi ro thiên tai do mưa lớn được chia thành 4 cấp – Pv).

Giữa tháng 10/2023, trước tình hình mưa lớn kéo dài, tỉnh Quảng Nam đã phải nâng cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 3. (Ảnh minh họa)
Giữa tháng 10/2023, trước tình hình mưa lớn kéo dài, tỉnh Quảng Nam đã phải nâng cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 3. (Ảnh minh họa)

Không riêng Nghệ An, Quảng Nam mà nguy cơ thiệt hại về người và tài sản do thiên tai luôn thường trực ở các địa phương miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, bão, lũ diễn biến bất thường, ngày càng phức tạp, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân, nhu cầu bố trí ổn định dân cư trên phạm vi cả nước ngày càng nhiều.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT tại Hội nghị sơ kết Nghị quyết số 22/NQ-CP và triển khai Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 590/QĐ-TTg được tổ chức ngày 28/11/2022 tại Lâm Đồng, đến năm 2030 cả nước cần bố trí, sắp xếp ổn định cho khoảng 253 nghìn hộ ở vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai. 

Ngoài ra, ở các địa bàn đặc biệt khó khăn còn có 81.500 hộ cần bố trí ổn định dân cư thuộc phạm vi, đối tượng hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719.

Nỗ lực sắp xếp

Tác động của biến đổi khí hậu đã và đang làm gia tăng áp lực lên nhiệm vụ sắp xếp, bố trí ổn định dân cư của Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương. Những năm qua, ngân sách nhà nước cùng công sức của cả hệ thống chính trị ,đã bỏ ra không ít để thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg, giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Quảng Nam đã bố trí được 1.012 hộ, với tổng vốn thực hiện 15,58 tỷ đồng; giai đoạn 2016 – 2020 bố trí được 707 hộ. (Trong ảnh: Khu tái định cư Bằng La, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam giúp người dân ổn định cuộc sống sau thiên tai)
Thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg, giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Quảng Nam đã bố trí được 1.012 hộ, với tổng vốn thực hiện 15,58 tỷ đồng; giai đoạn 2016 – 2020 bố trí được 707 hộ. (Trong ảnh: Khu tái định cư Bằng La, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam giúp người dân ổn định cuộc sống sau thiên tai)

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, thực hiện chương trình này, giai đoạn 2013 - 2020, cả nước bố trí, sắp xếp ổn định được hơn 105,3 nghìn hộ, đạt gần 66% so với mục tiêu chương trình đề ra (160 nghìn hộ). Trong 2 năm trở lại đây (2021, 2022), cả nước đã bố trí ổn định cho hơn 7 nghìn hộ. Kết quả thực hiện bố trí ổn định dân cư cơ bản đạt hiệu quả và mục tiêu chương trình; người dân đến điểm tái định cư có nhà ở khang trang, đời sống, sản xuất từng bước được nâng lên.

Riêng tại Nghệ An, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã triển khai 17 dự án để bố trí dân cư tập trung cho 1.267 hộ, với tổng vốn theo kế hoạch là 679,671 tỷ đồng. Đến nay, đã có 11 dự án hoàn thành, đã đưa được 594 hộ vào vùng dự án; 6 dự án đang tiếp tục triển khai. Trong 2 năm (2021, 2022), tỉnh cũng đã bố trí xen ghép 850 hộ dân các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn và các xã biên giới Việt - Lào.

Còn tại Quảng Nam, thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg, giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh đã bố trí được 1.012 hộ, với tổng vốn thực hiện 15,58 tỷ đồng; giai đoạn 2016 – 2020 bố trí được 707 hộ, tổng vốn thực hiện 13,562 tỷ đồng. Trước đó, từ năm 2001 đến năm 2010, triển khai các chính sách của Trung ương về sắp xếp, ổn định dân cư, tỉnh Quảng Nam đã bố trí được 8.571 hộ, với tổng kinh phí thực hiện hơn 25 tỷ đồng.

Giai đoạn 2013 - 2020, cả nước bố trí, sắp xếp ổn định được hơn 105,3 nghìn hộ. (Ảnh minh họa)
Giai đoạn 2013 - 2020, cả nước bố trí, sắp xếp ổn định được hơn 105,3 nghìn hộ. (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, đa số các điểm dân cư mới có kết cấu hạ tầng giao thông, điện, cơ sở giáo dục, y tế tốt hơn nơi ở cũ; nhiều điểm dân cư phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Một số địa phương sáng tạo trong tổ chức thực hiện, huy động các nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng khu tái định cư mang lại hiệu quả cao.

Kết quả trên là thực tiễn chứng minh rõ nét nhất chương trình bố trí dân cư là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, được các cấp, các ngành và người dân đồng tỉnh ủng hộ, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, ổn định đời sống dân cư và có ý nghĩa nhân văn cao cả.

Tuy nhiên, nhiệm vụ sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ngày càng khó khăn trước diễn biến bất thường của thiên tai do biến đổi khí hậu. Theo kế hoạch, đến năm 2025, cả nước cần phải bố trí ổn định 64.283 hộ (47.159 hộ vùng thiên tai, 3.726 hộ vùng đặc biệt khó khăn, 2.872 hộ vùng biên giới, hải đảo; 10.526 hộ di cư tự do, hộ cư trú trong khu rừng đặc dụng), trong khi tình trạng di cư tự do vẫn chưa chấm dứt. Vì vậy, để công tác bố trí ổn định dân cư đạt mục tiêu đề ra thì cần đồng thời giải quyết triệt dể tình trạng di cư tự do, nhất là ở một bộ phận đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg dự kiến sẽ sắp xếp, ổn định dân cư cho hơn 81.500 hộ đồng bào DTTS. Trong đó có 17.400 hộ di cư tự do; bố trí định canh, định cư cho 9.300 hộ; ổn định dân cư cho hơn 46.400 hộ ở vùng biên giới cho 8.400 hộ; sắp xếp, ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn và các vùng cần thiết khác.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong bài viết tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Liên Sơn ngày mới

Liên Sơn ngày mới

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) được triển khai tại tỉnh Ninh Thuận đã tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc Raglay ở thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước. Cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đặc biệt quan tâm đồng hành cùng người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho đồng bào vùng khó khăn.