Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Ổn định sản xuất, kinh doanh thời dịch bệnh Covid-19

Thúy Hồng - 10:17, 16/03/2020

Hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp (DN), cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... là những giải pháp trọng tâm của các cơ quan chức năng đã đưa ra để ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Với những giải pháp tích cực này, hy vọng sẽ giúp doanh nghiệp (DN) bảo đảm sản xuất, kinh doanh (SX-KD), ổn định thị trường lao động trong thời điểm khó khăn.

Với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng sẽ giúp các DN tháo gỡ khó khăn trước tác động của dịch bệnh Covid-19. (Trong ảnh: Người lao động thuộc Công ty CP Nafood Tây Bắc đang phân loại sản phẩm chanh leo đạt chất lượng để xuất khẩu).
Với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng sẽ giúp các DN tháo gỡ khó khăn trước tác động của dịch bệnh Covid-19. (Trong ảnh: Người lao động thuộc Công ty CP Nafood Tây Bắc đang phân loại sản phẩm chanh leo đạt chất lượng để xuất khẩu)

Doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng

Lào Cai là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều DN và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch gặp nhiều khó khăn do lượng khách giảm mạnh; DN hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu lại càng bị ảnh hưởng hơn do có thời điểm tạm dừng xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới…

Chị Lương Thị Xuân, làm việc tại Công ty TNHH Liên doanh Khách sạn quốc tế Lào Cai cho biết, do có thời gian làm việc lâu năm tại Công ty nên mức lương ổn định, cuộc sống gia đình cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng khách giảm rõ rệt. Doanh thu của Công ty giảm, vì thế Công ty buộc phải cắt giảm ngày công lao động, thu nhập của chị cũng theo đó bị ảnh hưởng.

Còn tại Vĩnh Phúc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động của nhiều DN bị giảm sút 20 - 50% doanh thu so với cùng kỳ năm trước, nhất là những DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ và các DN phụ thuộc nguyên, phụ liệu từ thị trường Trung Quốc.

Anh Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Công nghệ Thành Thắng, Khu công nghiệp Bình Xuyên 1 (Vĩnh Phúc) cho biết: Do bị ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động SX-KD của DN chỉ sản xuất cầm chừng. “Chúng tôi đang sống được nhờ vào các đơn hàng cũ, còn những đơn hàng mới hầu như không có...”, anh Thành cho biết.

Theo kết quả khảo sát nhanh trong hơn 1.200 DN do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân tiến hành từ ngày 2 - 3/3, các DN và cả nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh. Một trong những khó khăn của DN hiện nay là “bí” cả thị trường đầu vào - nhập khẩu nguyên liệu và đầu ra. DN gặp khó đồng nghĩa với cuộc sống của hàng loạt lao động, nhân viên bị ảnh hưởng.

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp quyết liệt vừa phòng chống, khống chế dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SX-KD, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân.

Mới đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SX-KD, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Đặc biệt là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng hỗ trợ các DN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí...

Theo ông Nguyễn Đình Hiếu, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chi nhánh Lào Cai II, để triển khai gói tín dụng này, Ngân hàng đã triển khai kịp thời giải pháp hỗ trợ tập trung nguồn nhân lực rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của DN để triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm mức lãi vay 0,5 - 1%. Hiện nay, Ngân hàng đã triển khai được trên 200 tỷ đồng để hỗ trợ tín dụng đặc biệt này.

Tuy nhiên, những giải pháp của Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng mới chỉ giải quyết được một phần những khó khăn của các DN, quan trọng nhất vẫn là các DN phải chủ động có những giải pháp lâu dài, phải thay đổi chiến lược để “tự cứu mình”.

Để triển khai gói tín dụng này, Ngân hàng đã triển khai kịp thời giải pháp hỗ trợ tập trung nguồn nhân lực rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của DN để triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm mức lãi vay 0,5 - 1%”.

Ông Nguyễn Đình Hiếu, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chi nhánh Lào Cai II