Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Ông Sử Văn Ngọc đam mê nghiên cứu văn hóa dân gian

PV - 12:31, 05/06/2018

Chúng tôi về làng Chăm Bàu Trúc (Phước Dân, Ninh Phước) tìm gặp ông Sử Văn Ngọc, người đam mê nghiên cứu văn hóa dân gian của đồng bào Chăm và đồng bào Raglai khu vực Nam Trung bộ. Ông là người đã xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu có giá trị, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát triển văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Ông Sử Văn Ngọc đam mê nghiên cứu văn hóa dân tộc Chăm, dân tộc Raglai. Ông Sử Văn Ngọc đam mê nghiên cứu văn hóa dân tộc Chăm, dân tộc Raglai.

Ông Ngọc đã dành gần trọn cuộc đời mình tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian. Với số lượng xuất bản 16 đầu sách và hàng chục đề tài nghiên cứu đã đưa ông trở thành một trong những chuyên gia đầu ngành Văn hóa dân gian Chăm, Raglai. Đưa ra hai tập sách in ấn đẹp, bìa trình bày trang nhã mới được xuất bản gần đây, ông Sử Văn Ngọc chia sẻ niềm vui: “Đây là những công trình nghiên cứu của tôi mới vừa cho ra mắt bạn đọc đó là cuốn Lễ hội Rija Nagar của người Chăm do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2016. Đặc biệt là tập sách Huyền thoại và truyền thuyết Chăm do NBX Trí thức ấn hành năm 2018, được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tặng giải Nhì năm 2017 (không có giải Nhất) dành cho công trình nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch”.

Thời trai trẻ, ông Ngọc đam mê văn hóa dân gian của dân tộc khi một lần trong cuộc họp mặt họ tộc, tình cờ ông nghe ông Trượng Thất, một người cao tuổi đọc hai câu thơ của đồng bào Chăm: “Đời này lắm đá tảng, không có ngọc. Dân tộc Chăm ta lúa ít, cỏ nhiều”. Ông chợt “ngộ” ra là văn hóa dân gian Chăm đang bị mai một cần có người sưu tầm, gìn giữ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông bàn với vợ quyết định xin nghỉ việc về nhà chuyên tâm học tập, nghiên cứu văn hóa dân gian Chăm.

Buổi đầu, ông mua tập vở học trò nhờ lão nông Trượng Thất dạy học chữ Chăm. Khi đã có vốn chữ Chăm, ông bắt đầu nghiên cứu phong tục, tập quán của dân tộc mình. Vào thời điểm này, ông gặp Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên đến Thuận Hải nghiên cứu văn hóa dân gian Chăm. Nhờ đức tính làm việc cần mẫn, thận trọng, vui sống chân thành nên ông được Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên thương quý, tin yêu mời làm cộng tác viên nghiên cứu văn hóa.

Ông nhớ mãi kỷ niệm tác phẩm đầu tay được đăng trên kỷ yếu Dân tộc học năm 1978 là bài “Đám ma của người Chăm Bàlamôn ở Thuận Hải”. Đây là hạnh phúc lớn lao của ông trong buổi đầu làm công tác nghiên cứu có bài đăng trên Tạp chí Văn hóa có uy tín, tạo động lực cho ông tiếp tục theo học chữ Chăm. Đầu năm 1994, ông được lãnh đạo ngành Văn hóa-Thông tin mời về làm cán bộ nghiên cứu tại Trung tâm Văn hóa Chăm.

Đến nay, tròn 40 năm dồn sức tập trung nghiên cứu văn hóa dân gian, ông Sử Văn Ngọc được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao tặng nhiều giải thưởng và các nhà xuất bản in ấn 16 đầu sách. Trong đó có thể kể tới các tập sách: Truyện cổ dân gian Chăm NXB Văn hóa Dân tộc năm 2000; Hệ thống thủy lợi và lễ nghi nông nghiệp cổ truyền Chăm Ninh Thuận-Bình Thuận NXB Văn hóa Dân tộc năm 2002; Sử thi Sa Ea NXB Khoa học Xã hội năm 2009; Văn hóa làng truyền thống người Chăm tỉnh Ninh Thuận NXB Dân trí năm 2010; Nghi lễ cuộc đời của người Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc năm 2011; …

SƠN NGỌC

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.