Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Phạt hành chính kết hôn cận huyết thống: Biện pháp cần thiết

Hồng Phúc - 10:52, 23/09/2020

Tại điểm a, khoản 2, Điều 59 Nghị định 82/2020 quy định rõ, nếu kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa người có họ trong phạm vi 3 đời sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Thế nhưng, áp dụng luật này để giải quyết vấn nạn kết hôn cận huyết thống ở các vùng DTTS còn đặt ra nhiều thách thức, khó khăn.

Đời sống của đồng bào DTTS ở một số nơi còn rất khó khăn có một phần nguyên nhân từ TH&HNCHT.  Ảnh minh họa
Đời sống của đồng bào DTTS ở một số nơi còn rất khó khăn có một phần nguyên nhân từ TH&HNCHT. Ảnh minh họa

Ngày 14/4/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025”. Để triển khai thực hiện Đề án, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã ban hành Quyết định số 439/QĐ-UBDT ngày 13/8/2015 về thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2020 (giai đoạn I) và hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện. Dù tình trạng HNCHT có giảm, nhưng vẫn chưa xóa bỏ được hoàn toàn, đặc biệt một số vùng vẫn là điểm nóng. 

Đơn cử tại Hà Giang, từ năm 2015 - 2019, toàn tỉnh ghi nhận 2.348 cặp tảo hôn và 67 cặp HNCHT. Còn tại Phú Yên, theo điều tra của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, ở khu vực miền núi, cứ 100 cặp kết hôn thì có khoảng 30 cặp chưa đủ tuổi; 20/100 cặp kết hôn cận huyết thống với anh em chú bác, cô cậu, dì…

Y học đã chứng minh tác hại của những cặp HNCHT đó là những cặp vợ chồng khỏe mạnh lại có thể sinh con dị dạng hoặc mang bệnh tật di truyền như: Mù màu, bạch tạng, da vảy cá, sức khỏe yếu, bệnh tật nhiều làm suy thoái chất lượng giống nòi của các tộc người. Thế nhưng, hiện nay, vấn nạn HNCHT vẫn đang nhức nhối tại nhiều địa phương miền núi phía Bắc (đặc biệt là vùng Tây Bắc) và Tây Nguyên như: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Kon Tum, Gia Lai…

Theo khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã quy định nam nữ cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi 3 đời. Trước đây, việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình được áp dụng tại điểm d, khoản 1, Điều 48 Nghị định 110/2013 (được sửa đổi bởi khoản 35, Điều 1 Nghị định 67/2015). Mức phạt cho hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi 3 đời là từ 1 - 3 triệu đồng. 

Từ ngày 1/9/2020, Nghị định 80/2020 thay thế cho 2 nghị định nêu trên chính thức có hiệu lực đã tăng mức phạt lên gấp nhiều lần, cụ thể là phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu phạt thì đồng bào không thể đủ khả năng tài chính, nhưng không phạt nghiêm mà vẫn chỉ nhắc nhở, tuyên truyền thì cũng sẽ không hiệu quả triệt để. 

Theo luật sư Diệp Năng Bình, mặc dù đây là mức phạt cao đối với vùng DTTS nhưng là cần thiết để phòng ngừa những hậu quả về sức khoẻ, chất lượng dân số ngay từ đầu. Thế nên, song song với việc áp dụng hình thức xử phạt này, vẫn cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, già làng, trưởng bản, Người có uy tín, … ở cơ sở để tuyên truyền cho đồng bào nhận thức rõ ràng kết hôn cận huyết thống không chỉ có hậu quả nghiêm trọng mà còn là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt nặng. 

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.