Theo thống kê của các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ tảo hôn năm 2016 (khi mới triển khai Đề án) là 4,5% (367 cặp) giảm xuống còn 1,56% (111 cặp) năm 2019. HNCHT chỉ xảy ra ở hai huyện vùng cao là Mường Lát và Quan Sơn. Cụ thể năm 2016, ở Mường Lát có 1 cặp, Quan Sơn 5 cặp HNCHT (tỷ lệ 0,07%), thì đến năm 2019, không còn trường hợp HNCHT.
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, chủ yếu vẫn là do việc kết hôn trong đồng bào các DTTS vẫn dựa trên cơ sở phong tục, tập quán cũ; trình độ dân trí thấp, sự hạn chế tiếp cận kiến thức pháp luật của đồng bào; việc thiếu trang bị kỹ năng sống, thông tin về sức khỏe sinh sản đối với học sinh miền núi; sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn tình trạng này chưa mạnh mẽ, quyết liệt…
Xác định rõ được nguyên nhân, 5 năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã kết hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về tảo hôn, HNCHT. Các huyện đã tổ chức được 281 hội nghị tuyên truyền phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình với 16.814 người tham gia. Các Đài truyền thanh - truyền hình huyện đã xây dựng các tin bài và tuyên truyền với 1.123 lần/524 tin bài; đồng thời thực hiện tuyên truyền trên Đài truyền thanh các xã là 4.007 lần, với 1.188 tin bài.
Bên cạnh đó, các huyện đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về tảo hôn và HNCHT tại các trường THCS, THPT, gồm 125 buổi/29.069 học sinh tham gia.
Một số huyện có cách làm hay, hiệu quả như huyện Như Thanh: Đã tổ chức Hội thi Thiếu nữ DTTS với vấn đề tảo hôn và HNCHT; hội thi Rung chuông Vàng về vấn đề tảo hôn, HNCHT tại các Trường THCS; THPT Như Thanh; Trường THPT Như Thanh 2 với 200 học sinh tham gia…
Ngoài ra, các huyện cũng đã xây dựng được 30 mô hình điểm tư vấn sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ giảm thiểu tảo hôn và HNCHT (trong đó, 20 mô hình xã, 10 mô hình trường học) ở các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh… Đồng thời, cấp phát các sản phẩm truyền thông về phòng, chống tảo hôn, HNCHT với 232 pa nô; 7.805 áp phích; 33.450 tờ gấp; 11.150 sổ tay hỏi đáp…
Ông Cầm Bá Tường, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đánh giá: “Nhờ sự nỗ lực của các cấp ngành ở các địa phương, đề án được thực hiện đã góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân, từ đó giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT”.
Để tiếp tục thực hiện đề án có hiệu quả và sâu rộng hơn, ông Tường cũng đề xuất, Trung ương bố trí kinh phí thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện các nội dung của Đề án Giảm thiểu tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” đối với tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2020 - 2025. Đồng thời, đề nghị tỉnh Thanh Hóa cho phép kéo dài và cấp bổ sung kinh phí thực hiện Đề án trên.