Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Nghệ An: Trăn trở bài toán tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Thanh Hải - 09:33, 09/09/2020

Dù tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Nghệ An giảm so với trước, tuy nhiên tỷ lệ chung vẫn còn rất cao. Đằng sau nguyên nhân do nhận thức của người dân còn hạn chế, công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, sự can thiệp từ chính quyền chưa quyết liệt… dẫn đến những hệ lụy dai dẳng, nhức nhối.

Một góc bản làng của người Đan Lai ở xã Môn Sơn
Một góc bản làng của người Đan Lai ở xã Môn Sơn

Những con số đáng buồn

Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2020”, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Căn cứ theo tình hình thực tế, mỗi địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể như: Tổ chức các hội nghị, lồng ghép tuyên truyền, hoạt động ngoại khóa trong trường học, đưa vào nội quy hương ước… nhưng tỷ lệ TH&HNCHT vẫn còn cao. 

Trong giai đoạn từ 2015 - 2020, toàn huyện Tương Dương có 402 cặp tảo hôn, không có HNCHT. Tính ra, trung bình mỗi năm, huyện có khoảng 80 cặp tảo hôn. Còn huyện Con Cuông, chỉ riêng trong 3 năm từ 2015 - 2018, toàn huyện đã có 105 cặp tảo hôn. Cũng trong giai đoạn này, Quế Phong có gần 60 cặp tảo hôn và 22 cặp HNCHT; Quỳ Hợp có 52 vụ tảo hôn, không có HNCHT; Quỳ Châu có 49 vụ tảo hôn…

Thống kê của tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2015 - 2019, toàn tỉnh có 938 cặp tảo hôn, 24 cặp HNCHT. Tình trạng tảo hôn xảy ra chủ yếu trong vùng đồng bào Mông, tiếp đến là đồng bào Khơ Mú, Thái. Còn tình trạng HNCHT xảy ra ở đồng bào Mông và Đan Lai. Điều đáng buồn, tình trạng học sinh bỏ học kết hôn có chiều hướng gia tăng. Thống kê sơ bộ năm học 2018 - 2019, đã có 24 học sinh THPT, 3 học sinh THCS bỏ học lập gia đình.

Ông Lương Viết Tùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông nêu thực tế đáng lo: Tỷ lệ tảo hôn có chiều hướng gia tăng, đã xuất hiện một số trường hợp của người Kinh.

Khó giải quyết

Nguyên nhân của vấn nạn TH&HNCHT là do phong tục, tập quán còn lạc hậu, hủ tục hứa hôn vẫn còn; sự thiếu quan tâm quản lý của cha mẹ; trình độ dân trí còn thấp, do quan niệm dòng họ, trong khi sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa mạnh mẽ và quyết liệt... Trong khi đó, nguồn kinh phí Trung ương cấp cho địa phương không đủ để thực hiện Đề án. 

Hệ lụy của tình trạng TH&HNCHT là bố mẹ sinh ra những đứa trẻ suy dinh dưỡng, thấp bé, kém thông minh, thậm chí là dị tật, gây gánh nặng cho gia đình và xã hội. TH&HNCHT vừa là nguyên nhân, vừa là hậu qủa của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống.

Ông Lương Viết Tùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông cho rằng, rất khó giải quyết vấn nạn TH&HNCHT bởi khi phát hiện ra sự việc thì thường là sự đã rồi. Hiện, chưa có chế tài mạnh để xử lý mà việc xử lý đa phần đang dùng biện pháp cam kết nên không đủ sức nặng để răn đe. Vì vậy, lời giải cho bài toán TH&HNCHT vẫn là một câu hỏi đầy trăn trở.

Tin cùng chuyên mục