Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Phát huy giá trị âm nhạc dân gian Mnông, tạo thành sản phẩm nghệ thuật cho du lịch

PV - 10:39, 30/01/2023

Sự tương tác cùng song hành giữa văn hóa và du lịch là sự hòa quyện tạo nên hiệu ứng cộng lực, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Ðiều này, vừa bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống Mnông, vừa góp phần tạo nên nét đặc trưng để phát triển du lịch Ðắk Nông bền vững.

Đoàn Ca múa Dân tộc tỉnh biểu diễn tại Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20, do tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức (ảnh: Hồ Mai)
Đoàn Ca múa Dân tộc tỉnh biểu diễn tại Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20, do tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức (ảnh: Hồ Mai)

Xứ sở của những âm điệu

“Xứ sở của những âm điệu” là câu slogan, khi các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu về những giá trị của Công viên địa chất Đắk Nông đã nhìn thấy, lắng nghe và nhận ra đó là một trong những giá trị cấu thành hệ thống các giá trị hội đủ điều kiện để được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Có thể hiểu rằng, đó chính là âm điệu của sông suối, thác ghềnh, thiên nhiên kỳ vĩ; âm điệu diễn tấu của các loại nhạc cụ được chế tác từ những nguyên liệu của núi rừng như Goong Rêng, Goong Lú, R’lét, M’Boat… (Mnông), Đinh Năm, Đinh Pút, Tăc Tà… (Ê Đê); âm điệu của cồng chiêng trong các lễ hội, và âm điệu diễn xướng của các làn điệu dân ca Nau M’pring; Tâm Pớt, Yơng Yơh… (Mnông), Ai rey, Kưưt… (Ê Đê), Nao ring lêu, Yal yau… (Chao Mạ). Trong những âm điệu đó, Nau M’pring (dân ca Mnông) đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, chiêng Mnông là một vùng của Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Các giá trị của nghệ thuật văn hóa dân tộc được đưa vào âm nhạc, biểu diễn (ảnh: Hồ Mai)
Các giá trị của nghệ thuật văn hóa dân tộc được đưa vào âm nhạc, biểu diễn (ảnh: Hồ Mai)

Bản sắc văn hóa trong âm nhạc

Bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc được phản ánh thông qua những giá trị vật chất và tinh thần cụ thể, bao gồm: ngôn ngữ, tập quán, kiến trúc nhà ở, hoa văn, truyện cổ, sử thi, cồng chiêng, và các loại hình diễn xướng dân gian… Trong âm nhạc không thể làm cho người nghe thấy được ngôi nhà sàn của người Ê Đê khác với ngôi nhà trệt mái khum của người Mnông. Yếu tố bản sắc văn hóa trong âm nhạc là những quãng, thang âm, những nốt hoa mỹ luyến láy của các làn điệu dân ca, của các loại nhạc cụ dân tộc, hay tiết tấu, thanh âm, phong cách diễn tấu của cồng chiêng… tạo nên sự khác biệt, độc đáo của mỗi dân tộc.

Cũng là hát ru, hay hát giao duyên… nhưng chắc chắn một điều là, làn điệu của mỗi dân tộc đều có sự khác biệt không thể nhầm lẫn. Chẳng hạn như Ay Ray của Ê Đê nghe rất hừng hực, xao động; Pơlung của Ba Na thì mềm mại, dặt dìu; còn Tâm Pơt hay Yơng Yơ của Mnông phải lắng nghe một cách tinh tế thì mới cảm nhận được nỗi ưu tư, trong đó cũng có cả sự khát vọng, cháy bỏng từ sâu thẳm nội tâm con người. Hay đối với chiêng Mnông, không có tiết tấu dồn dập, rộn rã như dàn chiêng K’nah Ê Đê, hay thánh thót, vang vọng như dàn chiêng Aráp của Gia Rai... Nhưng tiết tấu và giai điệu của nó bồng bềnh như con sóng, những âm bồi như vẳng lại từ nơi xa xăm, làm cho người nghe có cảm giác như đang sống lại thời xa xưa huyền thoại. Sự khác biệt đó tạo nên màu sắc âm nhạc riêng, thành bản sắc văn hóa trong âm nhạc của mỗi tộc người.

Những âm điệu đó là cốt cách, tâm hồn của các tộc người trên cao nguyên Mnông, đã hình thành và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những âm điệu trở thành tài sản tinh thần vô giá, tạo nên một kho tàng âm nhạc dân gian độc đáo, phong phú và đa dạng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào DTTS nơi đây.

 Tiết mục đạt giải A cá nhân Hát sử thi của Đoàn huyện Đắk Song tại Liên hoan dân ca các dân tộc tỉnh Đắk Nông lần thứ I năm 2022 với chủ đề "Thanh âm Đắk Nông" (ảnh: Hồ Mai)
Tiết mục đạt giải A cá nhân Hát sử thi của Đoàn huyện Đắk Song tại Liên hoan dân ca các dân tộc tỉnh Đắk Nông lần thứ I năm 2022 với chủ đề "Thanh âm Đắk Nông" (ảnh: Hồ Mai)

Để âm nhạc dân gian thành sản phẩm nghệ thuật cho du lịch

Sự phát triển của du lịch, không thể tách rời với bản sắc văn hóa vùng miền, sự gắn kết giữa văn hóa và du lịch sẽ phát huy được lợi thế để du lịch phát triển. Đó là kinh nghiệm của các địa phương có lợi thế về vùng văn hóa đặc trưng, như văn hóa các dân tộc Tây Bắc, bài chòi vùng duyên hải miền Trung, vùng văn hóa Nam Bộ...

Đắk Nông, với tiềm năng lợi thế của Hệ thống hang động núi lửa, hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan thiên nhiên với vẻ đẹp hoang sơ lay động lòng người và một vùng văn hóa đầy bản sắc. Trong đó, âm nhạc dân gian Mnông là giá trị cốt lõi của “Xứ sở của những âm điệu”.

Để bảo tồn và phát huy toàn diện các giá trị của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông một cách hiệu quả, gắn liền với phát triển du lịch bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng các dân tộc, thì âm nhạc dân gian cần phải được quan tâm ngang tầm với các giá trị khác. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của âm nhạc dân gian Mnông, nhằm tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt với các địa chỉ du lịch ngay cả đối với vùng Tây Nguyên, làm phong phú hơn các sản phẩm đặc trưng của một vùng đất để phục vụ, níu chân du khách. Đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn và tính hiếu kỳ, khám phá của du khách qua sự khác biệt của các sản phẩm du lịch trên Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Sự tương tác cùng song hành giữa văn hóa và du lịch là sự hòa quyện tạo nên hiệu ứng cộng lực, thúc đẩy nhau cùng phát triển; vừa bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống Mnông, vừa phát triển du lịch bền vững./.

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội "Bun Vốc Nặm" của người Lào ở Lai Châu

Lễ hội "Bun Vốc Nặm" của người Lào ở Lai Châu

Dân tộc Lào ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là cộng đồng dân cư sinh sống chủ yếu ở ven các con suối, những nơi có nhiều nước, thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Dân số không đông nhưng đời sống văn hóa tinh thần của người Lào có nhiều nét đặc sắc. Một trong những lễ hội tiêu biểu của người Lào là "Bun Vốc Nặm"- lễ hội té nước được tổ chức vào cuối mùa Xuân với mong ước, cầu mưa thuận, gió hòa một vụ mùa mới bội thu…