Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Phát huy giá trị những công trình tôn giáo ở Nghệ An: Tùng Lâm Diệc Cổ - Trung tâm Phật giáo xứ Nghệ (Bài 2)

Nguyễn Thanh - 17:16, 11/09/2022

Từng là ngôi chùa lớn nhất ở thành phố Vinh và là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Nghệ Tĩnh, Tùng Lâm Diệc Cổ một thời còn là Trung tâm Phật giáo xứ Nghệ. Đặc biệt, đây cũng là nơi lưu giữ bản chép tay “Văn chiêu hồn” bằng chữ Nôm nổi tiếng của Đại thi hào Nguyễn Du…

Cổng Tam quan và hàng bia đá cũ được lưu giữ đến ngày nay tại Tùng Lâm Diệc Cổ
Cổng Tam quan và hàng bia đá cũ được lưu giữ đến ngày nay tại Tùng Lâm Diệc Cổ

Huyền tích chùa Diệc

Ở Nghệ An, chùa Diệc hay còn gọi là Tùng Lâm Diệc Cổ luôn là từ được nhắc tới nhiều nhất trong lòng Phật tử. Đó không chỉ là một ngôi cổ tự nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa mà còn là “cái nôi” tâm linh với nhiều huyền tích. Tên chùa Diệc được mượn ý trong kinh Phật, “diệc bộ diệc xu” nghĩa là cùng bước theo cùng chạy theo.

Quanh ngôi chùa Diệc, có nhiều câu chuyện khác nhau giải thích sự hình thành của chùa, nhưng chuyện gắn với loài chim diệc được nhiều người đồng tình hơn cả.

Bức ảnh đen trắng chụp những năm đầu thế kỷ XX cho thấy chùa Diệc nằm sát đường thiên lý, có lũy cây bao bọc, hồ sen và tháp nhỏ
Bức ảnh đen trắng chụp những năm đầu thế kỷ XX cho thấy chùa Diệc nằm sát đường thiên lý, có lũy cây bao bọc, hồ sen và tháp nhỏ

Chuyện kể từ thời rất xưa rằng, có cánh đồng nhiều ao chuôm do bà con đào để lấy nước tưới bỗng một năm hạn hán lớn khiến cá tôm phơi xác, chim chóc trốn biệt đi nơi khác. Đồng bãi quạnh vắng, chỉ có gió Nam thổi mù mịt đất cát, nhưng rất lạ sau một đêm ngủ dậy, người ta thấy diệc bay kín trời. Chúng chen chúc nhau ở các lòng ao lòng chuôm đã nứt nẻ thì trời đang nắng chang chang bỗng tối sầm lại, mây đen vần vũ, giông tố nổi lên, rồi mưa ào ào rơi xuống.

Ngoài khu tam quan, chùa cũng còn giữ được 2 tấm bia bằng đá và 1 gian trước kia là tòa thiêu hương, nay được tận dụng làm nơi thờ Phật
Ngoài khu tam quan, chùa cũng còn giữ được 2 tấm bia bằng đá và 1 gian trước kia là tòa thiêu hương, nay được tận dụng làm nơi thờ Phật

Khi đồng ruộng được tưới mát, ao chuôm đầy ắp nước, người dân trong vùng kéo nhau nhau ra đồng thì ngạc nhiên thấy hàng trăm con diệc nằm chết la liệt. Ai cũng bảo, những con diệc này do trời phái xuống để làm mưa. Vậy là họ thu nhặt xác diệc lại và đắp thành một cái gò nhỏ. Từ hôm ấy, đêm nào người ta cũng thấy đàn diệc hiện ra từ gò rồi bay lên trời. Các cụ già trong vùng bèn xây trên gò đất một ngôi chùa đặt tên là chùa Diệc.

Do thời gian, chùa đã xuống cấp. Được dựng lại vào năm 1742, chùa Diệc vẫn rất đơn sơ với mái tranh, vách đất và bao quanh bởi một khu vườn rậm rạp. Chim muông kéo nhau về nhiều và khách thập phương tìm về lễ bái rất đông mỗi năm.

Cũng có tài liệu cho rằng, tương truyền chùa Diệc hiện hữu từ thời nhà Trần. Vào khoảng thế kỷ 19, Chùa được các Quan đại thần dưới triều Nguyễn phát tâm xây dựng, trùng hưng huy hoàng diễm lệ trên mảnh đất thành Vinh lịch sử. Trải qua bao thăng trầm, chùa Diệc chỉ còn lại cổng tam quan, trên lầu gác chuông còn rõ nét 4 chữ Hán: chùa Phật Diệc cổ và 2 tấm bia đá.

Nhìn kỹ có thể thấy, tam quan chùa rất lớn, lấy núi Hồng Lĩnh làm tiền án và sông Lam làm minh đường, theo thế tọa Càn hướng Tốn.

Qua thời gian thăng trầm và biến thiên của lịch sử, chùa Diệc còn hai tấm bia đá đặt bên trong cổng Tam quan
Qua thời gian thăng trầm và biến thiên của lịch sử, chùa Diệc còn hai tấm bia đá đặt bên trong cổng Tam quan

Sau nhiều lần trùng tu, chùa dần trở thành trung tâm Phật giáo, chốn tu hành của nhiều bậc cao tăng ở xứ Nghệ. Chùa Diệc cũng là nơi tìm thấy bản gốc “Văn Chiêu hồn” bằng chữ Nôm của thi hào Nguyễn Du vào năm 1926.

Năm 1950, chùa Diệc là trụ sở hành chính của Hội Phật giáo Liên hiệp Liên khu IV. Dưới thời Pháp thuộc, chùa Diệc từng là điểm liên lạc bí mật cùa nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Đội Cung… Tại ngôi chùa này đã diễn ra lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh với sự có mặt của hầu hết học sinh Trường Quốc học Vinh.

Ngày 3/11/2013, Ban Trị sự GHPG tỉnh Nghệ An cũng có quyết định bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thọ Lạc về trụ trì chùa Diệc. Từ ngày đó, ngôi cổ tự ngày càng hưng vượng, là điểm đến tâm linh thu hút được nhiều du khách cũng như Phật tử đến tham quan, tu học. Thời kỳ này, chùa vẫn được dựng tạm bằng mái tôn nhằm đáp ứng tạm thời nguyện vọng của nhân dân phật tử thành phố Vinh. Phật tử về đây tu học ngày một đông, nhiều đại lễ phải ngồi tràn xuống lòng đường Quang Trung lễ vọng.

3 pho tượng bằng đồng tại chánh điện chùa Diệc có chiều cao 5-7m
3 pho tượng bằng đồng tại chánh điện chùa Diệc có chiều cao 5-7m

Hồi sinh trung tâm Phật giáo xứ Nghệ

Trước sự xuống cấp của công trình Phật giáo một thời danh tiếng, ngày 25/2/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định phục hồi chùa Diệc. Theo nguyện vọng của thập phương phật tử, được sự hướng dẫn của Giáo hội và sự cho phép của các cấp chính quyền địa phương, Ban xây dựng Tùng Lâm Diệc Cổ đã quy hoạch tổng thể và được UBND tỉnh Nghệ An chính thức phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Theo chia sẻ của Thượng tọa Trụ trì, chùa Diệc sẽ được lên kế hoạch xây dựng làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ năm 2015 đến năm 2022, gồm giải phóng mặt bằng, san lấp nền, xây dựng Chính điện, nhà cư sĩ, hệ thống giao thông, hệ thống kỹ thuật liên quan. Giai đoạn 2, từ năm 2022 đến năm 2027, gồm xây dựng Ngũ quan mới, phục chế và bảo tồn Tam Quan cổ, hoàn thành khu Tăng xá đông đường và tây đường, bảo tháp thờ Phật, nhà truyền thống, thư viện và khuôn viên cảnh quan môi trường.

Đại hùng Bảo điện chùa Diệc đã được xây dựng xong
Đại hùng Bảo điện chùa Diệc đã được xây dựng xong

Hiện tại, công trình Đại hùng Bảo điện đã được xây dựng. Các hạng mục tiếp theo đang được tiến hành nhằm mục đích bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa, thắng cảnh của Tùng Lâm Diệc Cổ, góp phần tô đậm cảnh sắc Phật đài nơi miền Trung Đô Phượng Hoàng, vang danh một thời.

Từ một ngôi chùa với những phế tích, đến nay dự án bảo tồn, tôn tạo chùa Diệc giai đoạn 1 đã cơ bản được hoàn thành với nhiều hạng mục như: Toà Tam Bảo chính điện ba tầng với hàng ngàn mét vuông diện tích sàn, cùng nhà cư sĩ cho chư Tăng, tạm thời làm trụ sở hoạt động của Ban trị sự Phật giáo tỉnh và trường hạ an cư hành đạo cho chư Tăng toàn tỉnh vào những tháng hè mỗi năm.

Đông đảo chư tăng, phật tử dự lễ khánh thành Đại hùng Bảo điện chùa Diệc
Đông đảo chư tăng, phật tử dự lễ khánh thành Đại hùng Bảo điện chùa Diệc

Đặc biệt Toà Tam Bảo chính điện được xây dựng theo kiến trúc và trang trí mỹ thuật truyền thống văn hoá thuần Việt, kết hợp với nét đẹp của văn hoá thời đại, dung hoà giữa mỹ thuật và nhu cầu sử dụng cho hàng nghìn người cùng về tu học một lúc, tạo nên một quần thể tâm linh vừa tôn nghiêm vừa thoáng đãng.

Trở lại chùa Diệc hôm nay, giữa những ồn ã, sôi động của phố thị thành Vinh vẫn là những khoảng lặng bình yên, thanh tịnh của chốn tu hành. Chùa Diệc đang được phục dựng sẽ đáp ứng không chỉ niềm mong mỏi của các chư tăng mà còn là sự kỳ vọng của phật tử và du khách gần xa.

Tin cùng chuyên mục
Đại hội Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long lần IV, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Đại hội Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long lần IV, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Ngày 03/01/2025, tại hội trường Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long đã diễn ra Đại hội Đại biểu Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước (SSYN) tỉnh Vĩnh Long lần thứ IV nhiệm kỳ 2024 - 2029. Đến tham dự có: Hòa thượng Danh Đổng - Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội Đoàn kết SSYN tỉnh Kiên Giang; Hòa thượng Thạch Oai - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết SSYN tỉnh Trà Vinh; đại diện Hội Đoàn kết SSYN các tỉnh, thành: Hậu Giang, Sóc Trăng, TP. Cần Thơ; đại diện lãnh đạo các tôn giáo bạn và Ban Quản trị của 13 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh Vĩnh Long.