Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào DTTS ở Đắk Lắk: Đưa Nghị quyết bảo tồn, phát huy cồng chiêng vào cuộc sống (Bài 1)

Lê Hường - 13:25, 31/10/2022

Những năm qua, Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào DTTS và đạt hiệu quả tích cực. Đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết 05 và Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh về Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 và tiếp theo là giai đoạn 2022-2025, với những cách làm cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế, không chỉ bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa cồng chiêng, mà qua đó giúp cho đồng bào hiểu hơn những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc, từ đó nhiều di sản văn hóa khác của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng được bà con trân quý, chú trọng giữ gìn.

Cồng chiêng gắn liền với mọi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của đồng bào DTTS Tây Nguyên, mang giá trị đặc trưng riêng của vùng đất đại ngàn. Hiện thực hóa Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng, bằng những việc làm cụ thể, những năm qua không chỉ cồng chiêng, mà các giá trị văn hóa khác của đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk được bảo tồn và phát huy hiệu quả.

Nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng trong Lễ kết nghĩa anh em của người Ê Đê
Nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng trong Lễ kết nghĩa anh em của người Ê Đê

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Xã Ea Tar có 10 thôn buôn, trong đó có 6 buôn đồng bào DTTS, chiếm tỉ lệ 61%. Nhờ sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền trong việc giữ gìn, bảo tồn các bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào DTTS, mà những nét đẹp văn hóa dân gian, không gian văn hóa cồng chiêng được phát huy trên địa bàn.

Chủ tịch UBND xã Ea Tar Trần Xuân Quyền cho biết: Ngay khi mới triển khai Nghị quyết 05 về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, xã đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) trao tặng một bộ chiêng và một số bộ trang phục truyền thống dân tộc Ê Đê. Đồng thời, với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, động viên bà con giữ gìn các bản sắc dân tộc. Nhờ đó, đến nay nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống được khôi phục và phát huy trong cộng đồng, như lễ cúng bến nước, lễ hỏi chồng, lễ hội cồng chiêng...

Không chỉ xã Ea Tar, nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Cư M’gar cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp bảo tồn văn hóa truyền thống DTTS. Trong đó, nổi bật là nhiều lễ hội được khôi phục và phát huy và ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các DTTS trong huyện, góp phần khôi phục môi trường văn hóa dân gian truyền thống và phát huy các giá trị di sản phi vật thể.

Nghi thức trao vòng đồng tại Lễ cúng mừng sức khỏe của người Ê Đê
Nghi thức trao vòng đồng tại Lễ cúng mừng sức khỏe của người Ê Đê

Theo ông Y Mang, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư M’gar: Triển khai Nghị quyết bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng của tỉnh, ngoài các hoạt động phối hợp với Sở VHTT&DL, huyện Cư M’gar cũng có nhiều hoạt động thiết thực để bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng như, tổ chức phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống các DTTS, ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức định kỳ 2 năm/lần… Một điều đáng mừng, mới đây “Lời nói vần của người Ê Đê” huyện Cư Mgar, được Bộ VHTT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Theo số liệu thống kê đến hết năm 2020, toàn huyện Cư M’gar có 233 bộ chiêng, trong đó có 2 bộ chiêng Xê đăng, 1 bộ chiêng Thái; 447 nghệ nhân đánh cồng chiêng; 117 nghệ nhân dạy đánh cồng chiêng; 66 nghệ nhân chỉnh chiêng; 179 nghệ nhân chơi nhạc cụ dân tộc; 72 nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc; 41 thầy cúng; 44 nghệ nhân sử thi; 69 đội văn nghệ (múa xoang)…

Hiệu quả từ những việc làm thiết thực

Được biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 05/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Kế hoạch 1136/KH-UBND của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên qua trong và ngoài tỉnh cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết phù hợp tình hình thực tiễn, bằng nhiều hoạt động cụ thể.

Phục dụng Lễ cúng lúa mới của người M’nông Gar
Phục dụng Lễ cúng lúa mới của người M’nông Gar

Theo báo cáo, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Đắk Lắk đã cấp 26 bộ chiêng các loại, mở 124 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho các đội chiêng trẻ; phục dựng 5 nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS; lập 3 hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục di sản phi vật thể cấp quốc gia. 

Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 2.098 bộ chiêng, trong đó có 1.645 bộ chiêng Ê Đê, 453 bộ chiêng các dân tộc M’nông, Gia Rai, Xơ Đăng, 4 bộ chiêng Mường; 3 bộ chiêng Vân Kiểu; 3 bộ chiêng Thái và 1 bộ chiêng Ba Na. Với 5.116 nghệ nhân đánh chiêng, 812 nghệ nhân dạy đánh cồng chiêng, 331 nghệ nhân chỉnh chiêng.

Ông Đặng Gia Duẩn, Phó giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 05, ngành văn hóa đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đề ra, góp phần rất lớn vào công cuộc giữ gìn, bảo tồn, khai thác và phát huy hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng, từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tiếp nối thành quả Nghị quyết 05, ngày 17/12/2021, HĐND tỉnh Đắk Lắk thông qua Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022-2025.

Một lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ Ê Đê tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana
Một lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ người Ê Đê tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana

Triển khai thực hiện Nghị quyết 10, giai đoạn này Đắk Lắk đặt mục tiêu, huy động kinh phí là 20,3 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa đầu tư cho hoạt động bảo tồn cồng chiêng. Trong đó, tập trung cấp chiêng cho ít nhất 50 đội chiêng; cấp trang phục truyền thống cho các đội văn nghệ tiêu biểu.

Phấn đấu đến năm 2025, 100% buôn đồng bào DTTS có đội chiêng, đội văn nghệ; tất cả các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phục dựng được các nghi lễ, hội hội truyền thống gắn với các hoạt động bảo tồn văn hóa cồng chiêng; các trường PTDTNT tổ chức hoặc tham gia hoạt động ngoại khóa về văn hóa cồng chiêng…

Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi, khai thác, truyền dạy và nâng cao hiệu quả sử dụng các bài chiêng cổ của dân tộc Ê Đê, M’nông trong sinh hoạt cộng đồng; quan tâm chăm lo đời sống của đội ngũ nghệ nhân cồng chiêng được Nhà nước phong tặng các danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân; Nghệ nhân Ưu tú và các nghệ nhân tiêu biểu khác.

Ngoài ra, hàng năm ngành văn hóa tỉnh cùng các địa phương tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc; liên hoan văn hóa cồng chiêng; tổ chức các hoạt động diễn tấu cồng chiêng gắn với phục dựng các nghi lễ, lễ hội của đồng bào DTTS, nâng cao đời sống tinh thần và đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc.

“Với những việc làm thiết thực, cụ thể, tôi tin rằng văn hóa cồng chiêng và nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào Ê Đê sẽ được bảo tồn, phát huy hơn nữa”, ông Đặng Gia Duẩn, Phó giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Lắk khẳng định.

Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và ngành văn hóa bằng những việc làm, hoạt động thiết thực văn hóa cồng chiêng đã và đang tiếp tục “sống khỏei” trong đời sống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, để tiếng chiêng mãi ngân vang trong các buôn làng...

Tin cùng chuyên mục
Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: Bồi đắp bản sắc đất trăm nghề (Bài 2)

Vùng DTTS của Thủ đô trong dòng chảy văn hóa Hà thành: Bồi đắp bản sắc đất trăm nghề (Bài 2)

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, Hà Nội còn nổi tiếng là vùng đất “bách nghệ” (trăm nghề). Nghề truyền thống của Hà Nội không chỉ là sinh kế mà còn là nơi lưu giữ, kiến tạo nên giá trị văn hóa Hà thành. Hiện nay, vùng đất trăm nghề được bổ sung, bồi đắp thêm bởi những nghề truyền thống độc đáo của đồng bào các DTTS.