Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Phát huy hiệu quả nguồn vốn ODA ở Hòa Bình: Tận dụng nguồn lực thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Văn Hoa - 10:29, 25/10/2023

Trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), bên cạnh việc thực hiện hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước, tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực thực hiện hiệu quả nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ailen, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đồng bào DTTS, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, góp phần đạt được mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Xóm Ong giờ đã hết khổ

Năm 2021, do địa bàn thực hiện dự án thay đổi thực hiện theo Chương trình MTQG 1719, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025. Vì vậy Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại chủ trương đầu tư dự án cho phù hợp với mục tiêu và địa bàn thực hiện của Chương trình tại Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 28/8/2021 và được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc điều chỉnh lại tên dự án “Hỗ trợ các xã ĐBKK thuộc Chương trình 135” sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ailen thành dự án “Hỗ trợ các xã ĐBKK thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2030” sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ailen, với mục tiêu dự án là hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng tại xã, thôn bản ĐBKK thuộc Chương trình mục MTQG 1719 giai đoạn 2021-2030.

Niềm vui của Nhân dân xóm Ong khi có con đường bê tông mới. Giờ đây, ô tô, xe máy có thể đi lại thoải mái, giúp Nhân dân thuận tiện đi lại phát triển sản xuất
Niềm vui của Nhân dân xóm Ong khi có con đường bê tông mới

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, năm tài khóa 2020 (thực hiện từ năm 2021), tỉnh Hòa Bình được Trung ương hỗ trợ phân bổ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ailen là 20 tỷ 500 triệu đồng, tỉnh đã huy động thêm nguồn Nhân dân đóng góp là 660 triệu đồng, thực hiện đầu tư xây dựng 13 công trình (bao gồm 13 công trình giao thông) trên địa bàn 13 xã ĐBKK của 4 huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Đà Bắc, và Mai Châu, với tổng mức đầu tư là 21.160 triệu đồng.

Theo chân ông Cao Huy Cường, Phó trưởng Phòng Thanh tra (Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình) về thăm xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, để thấy được những khó khăn mà bao đời nay bà con đang phải đối mặt và những đổi thay, niềm phấn khởi của đồng bào các DTTS khi được thụ hưởng các dự án.

Chúng tôi được anh Bùi Văn Thích, Trưởng thôn Ong, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc dẫn đi thăm con đường bê tông mới trong niềm hứng khởi. Dưới tấm biển công trình có ghi “Công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2023”, vốn đầu tư 1 tỷ 750 triệu đồng. Anh Thích kể, công trình này từ khi làm xong đã giải quyết cái khổ cho người dân xóm Ong bao nhiêu năm nay.

A Thích nói rõ, xóm Ong có 131 hộ, trong đó 35 hộ nghèo, 21 cận nghèo, 100 % là người Mường, thu nhập chính từ nông nghiệp. Trong xóm có một cụm hơn 20 hộ dân không có đường đi lại, người dân đi trên con đường mòn nhỏ, rộng chừng hơn mét, chỉ có thể đi được xe máy nên khó khăn, vất vả vô cùng.

Ông Cao Huy Cường (ngoài cùng bên trái), Phó trưởng Phòng Thanh tra (Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình) về thăm xã Suối Hoa và kiểm tra con đường bê tông mới xây dựng tại xóm Ong
Ông Cao Huy Cường (ngoài cùng bên trái), Phó trưởng Phòng Thanh tra (Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình) về thăm xã Suối Hoa và kiểm tra con đường bê tông mới xây dựng tại xóm Ong

Chỉ vào con đường bê tông phía trước, anh Thích nói, khi có chủ trương làm đường, các cấp ủy, chính quyền địa phương đến tuyên truyền vận động người dân, tổ chức họp thôn, bà con phấn khởi lắm. Nhiều gia đình hiến cả đất thủ cư, đất ruộng, dỡ cả chuồng bò, đường làm đến đâu, đi qua đất nhà nào thì nhà đó hiến toàn bộ.

Anh Bùi Văn Thích cho biết thêm, khi làm đường, thôn đã thành lập Ban quản lý công trình, gồm Bí thư chi Bí thư chi bộ, trưởng, phó thôn, Trưởng ban Công tác Mặt trận cùng tham gia giám sát để đảm bảo chất lượng.

Người có uy tín Bùi Văn Nhanh, khi được thông tin có cán bộ xuống kiểm tra con đường, đặc biệt là có cán bộ Ban Dân tộc tỉnh, ông mừng lắm, gác lại việc chòi, ông đến để gặp. Ông cho biết, khi có con đường, đời sống của người dân xóm Ong như bừng sáng, với vai trò là Người có uy tín thôn, ông sẽ cùng lãnh đạo thôn, xóm bảo vệ con đường cẩn thận.

Được biết, con đường có chiều dài 600 mét, có tổng số vốn đầu tư là 1 tỷ 750 triệu đồng, trong đó vốn dân góp là 50 triệu đồng. Nói về phần đóng góp của người dân, cán bộ thôn, xã bày tỏ, chúng tôi cứ kê vào đấy, định giá đất, hoa màu, cây cối cho nó có, chứ thực tế cao gấp rất nhiều lần. Bà con có cần đền bù gì đâu, chỉ mong có con đường đi lại. Ngoài ra, trong lúc làm đường, bà con Nhân dân cũng ra hỗ trợ cùng làm, cứ làm được gì thì làm nấy để đẩy nhanh tiến độ thi công như: phát tuyến, đắp lề và cùng giám sát… để mong sớm có con đường để đi.

Bà Bùi Thị Họn phấn khởi nói, trước kia khổ vô cùng, trời nắng thì không sao, hễ có mưa là ngại đi lại lắm, đường nhưng không phải là đường. Nên khi có chủ trương hiến đất làm đường, gia đình bà sẵn sàng hiến luôn, làm đường đến đâu, bà hiến đất đến đó.

Biển công trình được đặt ở nơi dễ nhìn nhất. Nhân dân xóm Ong rất trân trọng và gìn giữ tấm biển thay lời cảm ơn đối với Nhà tài trợ
Biển công trình được đặt ở nơi dễ nhìn nhất. Nhân dân xóm Ong rất trân trọng và gìn giữ tấm biển thay lời cảm ơn đối với Nhà tài trợ

Em Bùi Thị Ngọc, học sinh lớp 10 bày tỏ, gia đình hiến cả 1 con đường mới chạy dọc theo đất thổ cư, đất ruộng. Ngọc bày tỏ, từ khi có con đường, việc đi lại của cháu thuận tiện hơn, không phải ngại đi học nữa.

Cuộc sống xóm Thung nay đã khởi sắc

Dời xóm Ong, chúng tôi tới xóm Thung. Xa xa là những ngôi nhà mới xây khang trang, theo lời cán bộ xã Suối Hoa, thì sau khi làm xong đường, ô tô chở vật liệu vào đến tận nơi thì bà con mới xây được những căn nhà khang trang ấy.

Xóm Thung cách trục đường xã gần 1km. Trước kia bà con đi vào thôn bằng đường bờ ruộng, không có đường đi. Theo lời kể, nhiều gia đình có xe máy phải gửi mấy hộ ngoài đường chính và đi bộ theo đường ruộng vào nhà. Muốn đem bất kể vật gì cũng phải mang vác bộ rất vất vả.

Trước kia, người dân xóm Thung phải đi bộ men theo bờ ruộng để vào nhà
Trước kia, người dân xóm Thung phải đi bộ men theo bờ ruộng để vào nhà

Ông Đinh Văn Nhàn, Bí thư chi bộ xóm Thung cho biết, những ngôi nhà có sẵn trước đây, vật liệu hoàn toàn khiêng vác bộ từ đường ruộng. Gia đình nào làm nhà hay có việc gì đều phải nhờ cả họ hàng, làng xóm, không thể kể hết cái khổ.

Chỉ về phía làng, về phía những căn nhà cao tầng, anh Nhàn xúc động, giờ đây khi có con đường mới, ô tô xe máy vào tận nơi, những căn nhà mới xây dần dần mọc lên, xóm Thung khởi sắc cũng từ đây.

Niềm vui khi có con đường mới thuận tiện đi lại của Nhân dân xóm Thung và xóm Ong, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc cũng là niềm vui chung của đồng bào các DTTS tỉnh Hòa Bình khi được thụ hưởng các nội dung hỗ trợ từ Dự án “Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2030” sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ailen năm tài khoá 2020 (thực hiện từ năm 2021) trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.

Ngày nay, xóm Thung đã có con đường bên tông mới, ô tô vào đến tận nhà, đời sống Nhân dân thay đổi rõ rệt
Ngày nay, xóm Thung đã có con đường bê tông mới, ô tô vào đến tận nhà, đời sống Nhân dân thay đổi rõ rệt

Nhận định về kết quả các dự án đầu tư, bà Đinh Thị Thảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết, đến nay các công trình đã xây dựng hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 13/13 công trình. Dự án được triển khai thực hiện nhận được sự quan tâm các cấp, các ngành, tạo mọi điều kiện trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện, các công trình hạ tầng được đầu tư đều tập trung ở địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tạo được việc làm công cho lao động địa phương, tăng thêm thu nhập, đạt được mục tiêu dân có công trình, có việc làm.

Đặc biệt, các dự án được hoàn thành đã góp phần cải thiện đời sống của nhân dân vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần vào sự thành công chung của Chương trình MTGQ 1719 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nói riêng, vùng đồng bào DTTS cả nước nói chung.

Tin cùng chuyên mục
Hà Giang: Sẵn sàng cho Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV

Hà Giang: Sẵn sàng cho Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Hà Giang lần thứ IV, năm 2024, sẽ diễn ra trong hai ngày 14 - 15/10, tại thành phố Hà Giang. Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội đại đoàn kết các dân tộc trên toàn tỉnh, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS. Nhân dịp này, Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Đức Nghĩa, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hà Giang về công tác chuẩn bị và những kỳ vọng mà Đại hội đặt ra.