Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Phát huy tiềm năng du lịch ở Sơn Dương

Hà Phúc - 11:15, 11/12/2024

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) lần thứ XXI đề ra đến năm 2025 phấn đấu thu hút được 930.000 lượt khách du lịch. Sau 4 năm thực hiện, huyện đã hoàn thành 100% kế hoạch và vượt hơn 2% so với mục tiêu nghị quyết đề ra.

Bơi mảng nghe hát Then, đàn Tính Tẩu trên hồ Nà Nưa
Bơi mảng nghe hát Then, đàn Tính Tẩu trên hồ Nà Nưa

Huyện Sơn Dương hiện có 236 điểm di tích, đã có 49 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 85 di tích xếp hạng cấp tỉnh, trong đó Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Phát huy lợi thế, thời gian qua, huyện Sơn Dương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.

Nằm bên núi Hồng hùng vĩ của Tân Trào, làng văn hóa du lịch Tân Lập với những nếp nhà sàn mái lá của đồng bào dân tộc Tày đã làm say lòng bao du khách phương xa... Làng văn hoá Tân Lập trước đây còn có tên gọi là làng Kim Long. Tân Lập có khoảng 200 hộ gia đình, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, làng còn giữ được 34 ngôi nhà sàn cổ. Người dân trong làng Tân Lập ai cũng rất tự hào vì được sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng,… Hiện làng có hơn 20 hộ dân làm du lịch cộng đồng.

Đặc biệt, có hai ngôi nhà sàn mang giá trị lịch sử to lớn: Nhà cụ Nguyễn Tiến Sự, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc những ngày đầu khi Người trở về từ Pác Bó (Cao Bằng) và nhà cụ Hoàng Trung Dân, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở và làm việc từ tháng 5 đến tháng 8/1945. Hai ngôi nhà này được bảo tồn, tôn tạo giữ nguyên giá trị gốc phục vụ du khách đến tham quan.

Cổng làng văn hóa du lịch Tân Lập được thiết kế với hình ảnh mộc mạc, gần gũi tạo ấn tượng cho du khách khi đến tham quan.
Cổng làng văn hóa du lịch Tân Lập được thiết kế với hình ảnh mộc mạc, gần gũi tạo ấn tượng cho du khách khi đến tham quan

Hiện nay, Làng Văn hóa Du lịch Tân Lập có thể phục vụ cùng lúc hàng trăm du khách có nhu cầu lưu trú tại những ngôi nhà sàn sạch sẽ, thoáng mát, ngăn nắp. Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống, trải nghiệm văn hoá các DTTS với những hoạt động, lễ hội đặc sắc.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Sơn Dương lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, khai thác tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, là một trong 3 khâu đột phá. Do vậy, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Hằng năm, huyện đã xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện.

Với sự quảng bá rộng rãi các giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, từ năm 2016 đến nay, huyện đã thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho một số bộ, ngành Trung ương thực hiện các dự án đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử với tổng kinh phí trên 129 tỷ đồng; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên tu bổ, tôn tạo các cụm, điểm di tích lịch sử trọng điểm, như: Cụm di tích lịch sử Nà Nưa, cụm di tích lịch sử Chủ tịch Phủ, Thủ tướng Phủ, cụm di tích lịch sử Đồng Man - Lũng Tẩu, cụm di tích lịch sử Làng Sảo. Đến nay, huyện phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đã triển khai hoàn thành xây dựng Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, đang triển khai hoàn thành công trình bảo tàng Tân Trào; khu trưng bày và chiếu phim tư liệu tái hiện lịch sử “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”...

Du khách ghé thăm di tích lịch sử lán Nà Nưa
Du khách ghé thăm di tích lịch sử lán Nà Nưa

Đặc biệt, Phòng Văn hoá và Thông tin Sơn Dương đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tiềm năng phát triển du lịch địa phương, để người dân mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế du lịch, tiếp cận với những cách làm mới trong du lịch cộng đồng. Hiện nay, huyện có 58 cơ sở lưu trú, trong đó: 40 nhà nghỉ với tổng số 357 phòng; 18 homestay có thể đón 800 khách trong ngày; 118 nhà hàng, quán ăn. Trên địa bàn huyện có 02 doanh nghiệp lữ hành; khoảng 650 người làm dịch vụ vận chuyển khách du lịch. Huyện hiện có 65 sản phẩm được quản lý nhãn hiệu, có mã số, mã vạch. Trong đó, sản phẩm xếp hạng OCOP: 12 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 21 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Phát triển du lịch không những bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử tại địa phương mà còn tạo cơ hội cho người dân phát triển kinh tế, kinh doanh dịch vụ và nâng cao thu nhập... Nhiều hộ gia đình tại Sơn Dương đang dần thay đổi tư duy, nỗ lực và sáng tạo khi tham gia “ngành công nghiệp không khói” với mong muốn thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Nhờ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nên khách du lịch đến với Sơn Dương đang chiếm gần 50% tổng số khách du lịch của tỉnh. Doanh thu xã hội từ các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng. Trong 3 năm, từ năm 2021- 2023, huyện Sơn Dương đã thu hút được khoảng 2.463.200 lượt khách tham quan, doanh thu xã hội từ du lịch 2.517,8 tỷ đồng. Ước thực hiện 3 tháng đầu năm 2024 số lượt khách đến tham quan, du lịch tại huyện khoảng 262.100, doanh thu xã hội từ du lịch đạt 291,1 tỷ đồng.

Phát triển du lịch đã góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương. Năm qua, Sơn Dương được ghi nhận là địa phương kéo giảm mạnh số hộ nghèo, với hơn 3.200 hộ thoát nghèo (tương đương 6,42%), gần gấp đôi kế hoạch giao.


Tin cùng chuyên mục
Sơn La: Tập trung đầu tư phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Sơn La: Tập trung đầu tư phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Sơn La là địa bàn cư trú tập trung chủ yếu của đồng bào La Ha, một trong 14 dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định 1227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai Tiểu dự án 1 – Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Sơn La đã và đang tập trung thực hiện các nội dung đầu tư, hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc La Ha sinh sống. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, xung quanh nội dung này.
Đọc nhiều