Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Phát huy vai trò của già làng, Người có uy tín trong công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá trong vùng đồng bào DTTS

Công Minh - 06:27, 24/11/2023

Người có uy tín, già làng, trưởng bản được xem là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, tỷ lệ người dân hút thuốc là tại nhiều vùng DTTS đã giảm đáng kể...

Ông Đặng Văn Bình, Trưởng thôn Tả Quang, xã Quang Kim (Bát Xát, Lào Cai) tới từng nhà dân tuyên truyền về tác hại của thuốc lá.
Ông Đặng Văn Bình, Trưởng thôn Tả Quang, xã Quang Kim (Bát Xát, Lào Cai) tới từng nhà dân tuyên truyền về tác hại của thuốc lá.

Do điều kiện sản xuất và sinh sống ở vùng núi nên thuốc lá được sử dụng khá phổ biến trong đồng bào DTTS. Người già, thanh niên, thậm chí là trẻ em cũng có thể hút thuốc lá. Chính vì vậy việc vận động người dân vùng cao tự nguyện từ bỏ chất gây nghiện này là điều không hề dễ dàng. Thế nhưng, những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là phát huy tốt vai trò gương mẫu, đi đầu của người có uy tín, già làng, trưởng bản, tỷ lệ người dân hút thuốc lá tại nhiều địa bàn vùng DTTS đã giảm đáng kể. Có được những kết quả đó là nhờ một phần sự nỗ lực, tích cực của đội ngũ người uy tín trong vùng đồng bào DTTS trong công tác tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ thuốc lá.

Điển hình như tại thôn Tả Trang (xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) nơi có gần 80 hộ dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào DTTS. Theo chia sẻ của ông Đặng Văn Bình (trưởng thôn Tả Quang), trước đây thuốc lá trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây. Tuy vậy, khoảng vài năm trở lại đây, các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, nên tỷ lệ người từ bỏ chất gây nghiện này đã dần tăng lên.

Với vai trò là trưởng thôn, ông Bình đã cùng những cán bộ khác thực hiện phường châm “mưa dầm thấm lâu”, kiên trì gõ cửa từng nhà dân để tuyên truyền về những tác hại của thuốc lá, giúp họ nâng cao nhận thức để phòng, chống. Hiện tại, đám hiếu, hỉ của các gia đình trong thôn đều không sử dụng thuốc lá. Đó thực sự là một bước tiến lớn trong nhận thức của người dân nơi đây về tác hại do thuốc lá gây ra.

Theo lãnh đạo UBND xã Quang Kim, huyện Bát Xát, không chỉ việc tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, mà bất cứ công tác nào, chính quyền địa phương luôn xác định lực lượng trưởng thôn, bản, người có uy tín là thành phần nòng cốt. Chỉ khi cán bộ gương mẫu đi đầu trong quá trình thực hiện, thì người dân mới thấy rõ cái tốt, cái hay để làm theo.

Ngoài xã Quang Kim, hiện nay tại địa bàn nhiều xã khác thuộc huyện Bát Xát, phong trào nêu cao vài trò của người đứng đầu, người có uy tín hay già làng, trưởng bản trong công tác tuyên truyền nói chung và phòng, chống tác hại của thuốc lá nói riêng được triển khai sâu rộng, toàn diện và hiệu quả.

Hiện nay các đám hiếu, hỉ tại nhiều địa bàn vùng DTTS, người dân đều không sử dụng thuốc lá.
Hiện nay các đám hiếu, hỉ tại nhiều địa bàn vùng DTTS, người dân đều không sử dụng thuốc lá.

Hay xã Yên Dương (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), nơi có trên 50% người dân đồng bào DTTS Sán Dìu sinh sống cũng được đánh giá là địa phương làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá những năm qua.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Tất Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Dương cho biết, những người có uy tín, già làng tại địa phương với vốn hiểu biết sâu sắc về văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào DTTS đã phát huy tốt vai trò, vị thế của mình trong công tác tuyên truyền phòng nói chung. Bằng tiếng nói và hành động, những người có uy tín đã có những cách vận động, tuyên truyền phù hợp để người dân trong thôn, bản hưởng ứng tích cực việc từ bỏ thuốc lá.

Cũng theo ông Thành, trong vài năm trở lại đây, UBND xã Yên Dương đã tuyên truyền, vận động các thôn trên địa bàn đưa việc phòng, chống tác hại của thuốc lá vào hương ước, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong qua trình thực hiện. Nhờ vậy, số người hút thuốc lá trong cộng đồng của xã hiện nay đã giảm đáng kể (chỉ chiếm 7 tới 8% dân số).

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Khôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Sán Dìu thôn Đồng Pheo, xã Yên Dương chia sẻ, đối với những người hút thuốc lá lâu năm, việc từ bỏ chất gây nghiện này là việc không hề dễ dàng. Tuy vậy, trong bất cứ việc gì, nếu chúng ta có quyết tâm đều có thể làm được.

“Tôi cũng là người từng nghiện thuốc lá lâu năm. Sau một thời gian dài hút thuốc, sức khoẻ bản thân giảm sút nhiều. Nhờ sự động viên của gia đình, cộng thêm việc tiếp cận các thông tin về tác hại của thuốc lá qua báo, đài tôi quyết tâm từ bỏ thuốc lá. Lúc đầu, tôi giảm dần liều lượng dùng thuốc lá mỗi ngày và sau đó là ngừng hẳn. Hiện nay, khi không còn sử dụng thuốc lá, tôi thấy sức khoẻ bản thân được cải thiện nhiều. Mặt khác, với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng, để tuyên truyền người khác phòng, chống tác hại của thuốc lá thì mình phải gương mẫu đi đầu thì dân mới phục và thực hiện theo”, ông Khôn vui vẻ chia sẻ thêm.

Có thể nói, để thay đổi một thói quen đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào DTTS là việc không hề dễ. Chính vì vậy, việc phát huy hơn nữa vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS là rất cần thiết nhằm nêu gương và tuyên truyền tới người dân việc phòng, chống tác hại của thuốc lá ngày một hiệu quả hơn.