Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát huy vai trò của phụ nữ DTTS trong tương lai của nền kinh tế xanh

PV - 14:45, 18/09/2019

Giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là vấn đề được người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới hết sức quan tâm, trong đó có Việt Nam. Từ thực tế này, đã có rất nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) khai thác lĩnh vực sản xuất và cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế các sản phẩm sản xuất từ nhựa, hướng đến phát triển nền kinh tế xanh.

Nhu cầu cấp thiết

Người phụ nữ dân tộc Tày Trịnh Thị Thảo (thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) đã mạnh dạn xây dựng Dự án “Sản xuất và cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường từ tre như cốc, thìa, ống hút kết hợp với du lịch trải nghiệm”. Dự án hướng đến mục tiêu tạo việc làm ổn định, thu hút lao động ngay trên đất quê hương, đồng thời giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường từ việc sử dụng các sản phẩm nhựa.

Phụ nữ DTTS tham gia vào nền kinh tế xanh góp phần xóa định kiến về bình đẳng giới. Phụ nữ DTTS tham gia vào nền kinh tế xanh góp phần xóa định kiến về bình đẳng giới.

Không chỉ gìn giữ những giá trị văn hóa vốn có, Dự án còn là sinh kế bền vững cho bà con trong thôn, đem lại thu nhập ổn định cho họ. Thu nhập nhân công 2-4 triệu đồng/người mỗi tháng là đáng kể với bà con sinh sống ở vùng miền núi khó khăn như Lâm Bình.

Câu chuyện về Dự án này cũng mở ra vấn đề lớn lao hơn, đó là tăng cường vị thế của phụ nữ trong tương lai của nền kinh tế xanh, một nền kinh tế được kỳ vọng là sẽ đem lại sinh kế bền vững, bảo đảm các yếu tố về văn hóa, xã hội, giảm thiểu rủi ro thiên tai, môi trường và sự khan hiếm tài nguyên.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế: Phụ nữ vẫn là một trong nhóm dân số chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH và suy thoái môi trường. Phụ nữ chiếm khoảng 70% trong khoảng 1,3 tỷ người có mức sống dưới 1 USD/ngày. Họ cũng có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn tài nguyên chung như nước, rừng và dễ bị tổn thương nhiều hơn trước tác động của suy thoái tài nguyên thiên nhiên.

Ở khu vực miền núi, vùng có đông đồng bào DTTS, nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ quét, sạt lở, những tổn thương này lại càng rõ nét. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay tại Nhật Bản với tư cách khách mời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định, Việt Nam quyết tâm chống rác thải nhựa và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh, phấn đấu đến năm 2025, sẽ loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa sử dụng một lần.

Tìm kiếm thu nhập ổn định từ sinh kế thích nghi với BĐKH cho phụ nữ vùng DTTS là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là vấn đề được nhấn mạnh trong Cuộc thi ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp năm nay, với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam kết hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ phát động.

Hướng đếnnền kinh tế xanh

Là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng rất nặng nề của BĐKH của khu vực châu Á- Thái Bình Dương, từ tháng 8/2011, Chính phủ đã cho thành lập Tổ công tác xây dựng Khung chiến lược tăng trưởng xanh, đặt nền móng cho phát triển nền “kinh tế xanh” ở Việt Nam. Trong thị trường việc làm hiện nay, phụ nữ có tỷ lệ đại diện thấp và nắm giữ các vị trí đem về giá trị gia tăng thấp hơn, vì vậy nền kinh tế xanh hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho họ.

Trên thực tế đã có nhiều dự án khả thi, đã chứng minh được vai trò của phụ nữ DTTS trong sự phát triển của nền kinh tế xanh đang bắt đầu được phát huy, như “Dự án hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật trong trồng và chế biến đẳng sâm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm cho đồng bào DTTS Xơ-đăng tại Kon Tum.

Theo thông tin của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, trong những năm qua, Việt Nam đã và đang chuyển đổi theo mô hình phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế xanh và đạt những kết quả quan trọng. Với 2 năm thực hiện đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện Hội LHPN Việt Nam cũng đã hỗ trợ được 14.500 phụ nữ khởi nghiệp và khởi nghiệp kinh doanh, thành lập mới 300 HTX và 3.000 Tổ liên kết, Tổ hợp tác. Phát huy vai trò của phụ nữ DTTS trong nền kinh tế xanh hiện nay không chỉ góp phần xóa bỏ đói nghèo, gia tăng sự thịnh vượng và phát triển bền vững, mà còn xóa đi định kiến về bình đẳng giới.

HỒNG PHÚC