Khôi phục, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống
Ðiện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, có 19 dân tộc cùng sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa. Xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những năm qua, Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Các mô hình du lịch này ngày càng phát triển, thu hút đông đảo du khách thập phương và góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Để thúc đẩy du lịch cộng đồng, ngoài nét văn hóa Thái, ngành văn hóa Điện Biên đã nỗ lực đưa thêm các nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc khác như: múa khèn của dân tộc Mông; tết Hồ Sự Chà - tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì; Tết té nước của dân tộc Lào… vào chuỗi du lịch văn hóa của địa phương, nhằm mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn với du khách và từng bước đưa du lịch văn hóa - lịch sử trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, từ năm 2021, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, ngành Văn hóa tỉnh đã mở nhiều lớp truyền dạy các nghề thủ công truyền thống, mở các lớp đào tạo dịch vụ du lịch cộng đồng tại các huyện Mường Nhé, Mường Ảng, Tủa Chùa, Điện Biên Đông... xây dựng các sản phẩm du lịch tạo điểm nhấn đặc trưng, chú trọng phục dựng, đề xuất công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với các lễ hội truyền thống dân tộc trên địa bàn.
Anh Chà A Mua, bản Tìa Ló, xã Nong U, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết: Trước đây, gia đình anh chỉ phát triển kinh tế qua chăn nuôi, nhưng mấy năm gần đây, hoạt động chăn nuôi bị dịch bệnh nên giá trị kinh tế thấp. Từ khi anh mở dịch vụ homstay, xây dựng các điểm check-in gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Mông từ những vật dụng thường ngày, đã tạo thêm thu nhập cho gia đình.
Tại tỉnh Phú Thọ, triển khai Dự án số 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, Chương trình MTQG 1719, ngành văn hóa đã tổ chức lớp tập huấn Xây dựng CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Mường, Dao tại các xã Cự Thắng, Võ Miếu, Yên Sơn, Khả Cửu, huyện Thanh Sơn cho 145 học viên, là thành viên của các CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Mường, Dao và các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, Người có uy tín.
Bên cạnh đó, ngành văn hóa Phú Thọ còn xây dựng Mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù các DTTS, mô hình bảo vệ văn hóa phi vật thể các DTTS phục vụ Nhân dân và du khách tại Vườn quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn.
Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, thông qua lớp tập huấn, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng về giá trị của văn hóa truyền thống. Qua đó, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển, nâng cao đời sống văn hóa tại các bản, làng, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người dân địa phương.
Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư
Thực hiện Dự án 6, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng đang có nhiều chuyển biến tích cực. Các thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa vùng đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Bùi Ngọc Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Bắc Yên, cho biết: Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân trên 1,4 tỷ đồng tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể; lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch…Đã có gần 90 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS ở các địa phương được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hỗ trợ tổ chức phục dựng, bảo tồn; Hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống được hỗ trợ đầu tư bảo tồn gắn phát triển du lịch khai thác tiềm năng từ văn hoá truyền thống tiêu biểu của dân tộc..., từ đó nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hoá - du lịch, điểm văn hoá du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào ở địa bàn vùng đồng bào DTTS.
Huyện cũng đã hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị cho các bản Trung Sơn, Suối Song, xã Song Pe; bản Suối Ngang, xã Chiềng Sại và bản Chống Tra, xã Háng Đồng, phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Theo bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các chương trình, chính sách về bảo tồn văn hóa của đồng đã và đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS.