Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Hà Giang: Người Lô Lô làm giàu từ du lịch cộng đồng

Hà Anh - 05:41, 24/11/2023

Nằm cách cột cờ Lũng Cú 1 km, bản Lô Lô Chải, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang ẩn mình giữa núi rừng cao nguyên trùng điệp. Đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào người Lô Lô, một trong những dân tộc rất ít người tại nước ta. Nhờ tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế cảnh quan, cùng bản sắc văn hóa độc đáo, bà con nơi đây đã vừa làm du lịch, vừa gìn giữ hiệu quả bản sắc văn hoá của dân tộc mình.

Bản du lịch cộng đồng Lô Lô Chải nhìn từ trên cao
Bản du lịch cộng đồng Lô Lô Chải nhìn từ trên cao

Với địa hình gồ ghề, chủ yếu là đá tai mèo, đường sá đi lại khó khăn, khí hậu lại khắc nghiệt, đồng bào sống theo phương thức tự cung, tự cấp nên thôn Lô Lô Chải đa phần đều là hộ nghèo, đời sống gặp rất nhiều khó khăn.

Thế nhưng Lô Lô Chải giờ đây đã khác xưa rất nhiều. Từ khi làm du lịch, người dân phấn khởi, đời sống được cải thiện rõ rệt. Hiện nay, hầu như gia đình nào cũng có ti vi, tủ lạnh, xe máy. Đặc biệt, gần như ai cũng biết giao tiếp tiếng Anh thông dụng.

Và một trong những người tiên phong làm du lịch tại Lô Lô Chải, đó chính là anh Sình Gỉ Gai (sinh năm 1976), Trưởng thôn Lô Lô Chải.

Anh Gai kể lại: Cách đây hơn 10 năm, một cán bộ của Đại sứ quán Luxembourg tại Việt Nam đến đây du lịch và ngạc nhiên trước vẻ đẹp của bản Lô Lô Chải. Sau đó, họ đã làm việc với tỉnh và tài trợ cho 3 gia đình làm dịch vụ Homestay, trong đó có nhà anh Gai. Nhưng hai nhà hàng xóm thất bại, chỉ còn mỗi gia đình anh Gai là làm được.

Anh Sình Gỉ Gai (ngoài cùng bên trái) giới thiệu với khách du lịch về bản Lô Lô Chải.
Anh Sình Gỉ Gai (ngoài cùng bên trái) giới thiệu với khách du lịch về bản Lô Lô Chải.

Cũng từ đó, gia đình anh bắt đầu định hướng con đường làm du lịch. Năm 2014, anh lại tu sửa, chỉnh trang lại ngôi nhà cổ để làm du lịch, đón được khoảng 10 khách. Năm 2017, với lượng khách ngày càng tăng, anh làm tiếp một ngôi nhà truyền thống của người Lô Lô, bố trí các phòng ăn, nghỉ, cà phê hợp lý, khu vệ sinh sạch sẽ. Homestay Sình Gai được thành lập nằm ngay vị trí đắc địa của thôn với không gian rộng rãi, đủ chỗ để cả gần chục chiếc xe ô tô nên khách về nhà anh ngày càng đông.

Hiện nay, với 2 ngôi nhà dùng để đón khách, Homestay của anh Gai có thể đón được 50 người mỗi ngày. Vào dịp cuối tuần, ngày lễ, tết đều cháy phòng, khách muốn có được chỗ nghỉ tại đây, phải đặt phòng trước cả tháng trời. Phòng ngủ trong ngôi nhà cổ của Anh Gai có giá 800 trăm nghìn đến 1 triệu đồng/đêm. Doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt trên 200 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động trong gia đình với mức lương đạt từ 5.000.000 đồng - 8.000.000 đồng/tháng.

Để làm du lịch ngày càng chuyên nghiệp hơn, anh Gai tham gia các lớp tập huấn về tiếng Anh giao tiếp, lễ tân, buồng phòng, nấu ăn, chụp ảnh quảng bá về Homestay trên Facebook, Zalo… trở thành một hướng dẫn viên du lịch khi khách muốn tham quan, tìm hiểu về thôn Lô Lô Chải.

Nhờ làm du lịch homestay cuộc sống của đồng bào ở bản Lô Lô Chải đã thay da đổi thịt
Nhờ làm du lịch homestay cuộc sống của đồng bào ở bản Lô Lô Chải đang đổi thay từng ngày

Thấy nhà anh Gai làm homestay cho thu nhập khá, nhiều hộ khác trong bản cũng học tập làm theo. Điển hình như, anh Dìu Dỉ Siến đã đến gặp anh Gai học hỏi kinh nghiệm để làm homestay. Nhờ đó, mùa hoa tam giác mạch đầu tiên từ tháng 10 âm lịch đến hết tháng 11/2017 gia đình anh Siến đã đón được hơn 200 khách. Ngoài cho thuê phòng nghỉ qua đêm, gia đình anh còn nấu các món ăn truyền thống phục vụ khách theo nhu cầu như mèn mén, thịt treo gác bếp, rau cải xanh...

Anh Siến khoe: "Trừ mọi chi phí, mỗi tháng mình kiếm được hơn 2 triệu đồng. Từ ngày đón khách, nhà vui hẳn lên vì có người ra vào trò chuyện. Có khách tới chơi, thuê phòng nên nhà nào nhà nấy trong bản cũng phải vệ sinh sạch sẽ, trong nhà thì ngăn nắp hơn. Bây giờ chúng tôi không chỉ lo no cái bụng mà còn phải phấn đấu làm giàu"...

Hiện nay, hầu hết các căn nhà ở bản Lô Lô Chải đều được bố trí theo phong cách truyền thống với hệ thống nhà vệ sinh, bàn uống nước, không gian sinh hoạt chung được bố trí rộng rãi, hợp vệ sinh. Các hiện vật cổ của người Lô Lô cũng được trưng bày tại nhà.

Năm 2016, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trực tiếp mở lớp tập huấn dạy tiếng Anh, kỹ năng lễ tân, giao tiếp, nấu ăn, giúp người Lô Lô làm du lịch ngày càng chuyên nghiệp. Đến nay, Lô Lô Chải đã có 30 hộ làm Homestay, thường xuyên đón khách du lịch. Trung bình mỗi tháng, Lô Lô Chải đón hơn 1.000 lượt khách lưu trú; nhất là vào mùa hoa tam giác mạch, nơi đây gần như không có phòng.

người Lô Lô ở Lũng Cú đã kể câu chuyện văn hoá của dân tộc mình bằng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, dệt lên một
Người Lô Lô ở Lũng Cú đã kể câu chuyện văn hoá của dân tộc mình bằng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, dệt lên một

Bản cũng đã thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp Homestay thôn Lô Lô Chải với 23 thành viên tham gia, Chi hội hoạt động trên lĩnh vực liên kết làm dịch vụ nhà nghỉ, ăn uống, giải khát và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ của dân tộc để phục vụ du khách trong và ngoài nước. Từ đó, các hộ được hỗ trợ cài đặt và vận hành có hiệu quả các phần mềm, trang mạng, biết cách quản trị, kết nối tour, tuyến du lịch đối với du khách...

Giờ đây, rời xa những ồn ào của phố thị, về với Lô Lô Chải, du khách như được đắm chìm trong một miền cổ tích khác biệt. Nơi cực Bắc Tổ quốc với cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người Lô Lô ở Lũng Cú đã kể câu chuyện văn hoá của dân tộc mình bằng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, dệt lên một "bức tranh" sinh động về cuộc sống. Và nhờ tận dụng tốt được tiềm năng, lợi thế cảnh quan, cùng lối kiến trúc độc đáo, phương thức vừa làm du lịch, vừa gìn giữ những nét đặc trưng văn hóa, mô hình kinh doanh du lịch đã đem đến cho bà con thôn Lô Lô Chải một cuộc sống mới ấm no hơn, hạnh phúc hơn...

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.