Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Phát triển bền vững khu vực đồng bằng trước biến đổi khí hậu: Thiếu thống nhất trong ứng phó thiên tai (Bài 1)

Sỹ Hào - 16:16, 08/04/2020

Khu vực đồng bằng có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng vai trò này đang trở nên mong manh trước biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng phức tạp. Để phát triển bền vững khu vực đồng bằng, cần thiết phải có một tầm nhìn chiến lược, nhất là trong ứng phó với thiên tai.


Hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên đe dọa ĐBSCL. (Ảnh minh họa)
Hạn hán, xâm nhập mặn thường xuyên đe dọa ĐBSCL. (Ảnh minh họa)

Tình trạng lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng cực đoan, tác động trực tiếp đến khu vực đồng bằng. Dù đã được dự báo, nhưng công tác ứng phó thiên tai hiện vẫn chắp vá, mỗi địa phương làm một kiểu.

Thiên tai trên diện rộng

Từ đầu năm 2020 đến nay, bên cạnh dốc sức phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải gồng mình đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn bủa vây. 

Theo dự báo của Tổng Cục Khí tượng Thủy văn, từ tháng 3 - 5/2020, tình trạng khô hạn thiếu nước cục bộ khả năng xảy ra tại khu vực Trung Bộ (các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận) và khu vực Tây Nguyên; từ tháng 6 - 8/2020, tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ, từ Quảng Trị đến Khánh Hòa.

Tại ĐBSCL, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam dự báo, tình trạng xâm nhập mặn vẫn sẽ diễn ra rất nghiêm trọng. Trước mắt, từ ngày 8 - 15/4, chiều sâu mặn xâm nhập lớn nhất (ranh 4g/l) là khoảng 95 - 105km. Cùng kỳ năm ngoái, chiều sâu mặn xâm nhập khoảng 70 - 80km; còn năm 2018 chỉ khoảng 18 - 30km.

Với Đồng bằng sông Hồng, vào mùa khô, nguồn nước ở khu vực hạ lưu hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình có xu hướng giảm dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn nước trên diện rộng, làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn. Đặc biệt, theo kịch bản BĐKH của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do nước biển dâng, vào cuối thế kỷ 21 này, 17% diện tích khu vực này có nguy cơ bị ngập. 

Mỗi nơi một kiểu ứng phó!

Không thể phủ nhận, BĐKH đã và đang tạo ra nhiều hình thái thiên tai ngày càng cực đoan. Nhưng về cơ bản, các loại hình thiên tai chủ yếu (hạn hán, xâm nhập mặn) đều đã được dự báo. 

 Như ở ĐBSCL, khu vực này đã quen với hạn, mặn, giống như các tỉnh miền Bắc quen và “sống chung” với lũ lụt. Hơn nữa, cơ quan chuyên môn cũng đã hỗ trợ các địa phương trong công tác dự báo để giảm thiểu thiệt hại.

Thực tế đã có một số địa phương “né” được hạn, mặn. Như Sóc Trăng, mùa khô năm 2016, toàn tỉnh có gần 24.000ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn. Rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác ứng phó nên mùa khô năm nay (tính hết tháng 3/2020), tỉnh Sóc Trăng mới chỉ có khoảng 600ha lúa vụ 3 bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, nhiều tỉnh thành khác ở ĐBSCL lại đang gồng mình chống chọi với hạn, mặn. Thậm chí, từ ngày 4/3 đến nay, đã có 5 tỉnh (Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Long An) buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai (TTKCTT) để tìm giải pháp ứng phó. 

Việc các địa phương này ban bố TTKCTT là tình thế bắt buộc, nhưng lại không đúng thẩm quyền. Bởi theo Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp hiện hành, thẩm quyền ban bố TTKCTT là Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTCQH), theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ (trường hợp UBTCQH không thể họp ngay thì Chủ tịch nước ra Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp).

Việc 5 tỉnh ĐBSCL ban bố TTKCTT chưa phù hợp về thẩm quyền theo quy định có thể gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong cộng đồng dân cư và làm phát sinh các chi phí ngoài dự kiến trong ứng phó thiên tai. Điều này cũng cho thấy, công tác quản lý, ứng phó với thiên tai ở các tỉnh ĐBSCL đang mỗi nơi một kiểu, mạnh ai nấy làm. 

Với tầm nhìn riêng trong ứng phó thiên tai, các tỉnh ĐBSCL, rộng ra là khu vực đồng bằng trên cả nước, đang đặt vấn đề an ninh lương thực quốc gia trước những nguy cơ mới. Điều này đòi hỏi phải có hành lang pháp lý đủ mạnh đủ sức điều tiết và chi phối tất cả các chiến lược, giải pháp cũng như ràng buộc khu vực đồng bằng lại với nhau để thực hiện được mục tiêu phát triển chung. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.