Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Phát triển đảng viên ở vùng DTTS: Cần những cách làm sáng tạo từ cơ sở

PV - 14:55, 06/02/2018

Những năm qua, hệ thống cơ sở Đảng ở vùng DTTS đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chú trọng. Công tác phát triển đảng viên, củng cố cơ sở Đảng ngày một vững chắc tạo tiền đề cho xã hội ổn định và phát triển, đời sống người dân ngày một nâng lên. Những đảng viên người DTTS đã phát huy được tính tiên phong, gương mẫu, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng ở địa phương.

Cần làm tốt công tác quy hoạch, phát triển đảng viên người DTTS. Cần làm tốt công tác quy hoạch, phát triển đảng viên người DTTS.

 

Điển hình như anh Đinh Văn Trung, dân tộc H’rê, xã Thanh An, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi. Hơn 3 năm trước, anh Trung được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đi học hết THPT và một số khóa học nâng cao trình độ. Nhờ phấn đấu, rèn luyện, anh Trung vinh dự được kết nạp đảng trong quá trình học tập. Sau đó, anh được bố trí tham gia vào lực lượng thường trực dân quân xã.

Sau khi hoàn thành việc học tập, anh được địa phương tạo điều kiện tham gia lực lượng dân quân tự vệ. Anh luôn gương mẫu, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Là địa phương có hơn 76% dân số là đồng bào DTTS, hiện toàn huyện Minh Long có trên 1.200 đảng viên, trong đó, đảng viên người DTTS chiếm trên 58%. Từ năm 2016 đến nay, Đảng bộ huyện Minh Long đã kết nạp được 105 đảng viên, trong đó 57 đảng viên là người DTT. Hay, tại tỉnh Tuyên Quang, đến hết năm 2016 có 494 chi bộ, đảng bộ cơ sở với 52.543 đảng viên, trong đó 22.838 đảng viên là người DTTS. Những năm gần đây, 100% đảng bộ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và trên 97% chi bộ thôn bản đã xây dựng được kế hoạch phát triển đảng viên.

Tại tỉnh Lai Châu, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp Đảng được trên 8 nghìn đảng viên, trong đó có trên 4.000 đảng viên là người DTTS. Trong số đó, nhiều đảng viên là dân tộc rất ít người, như: dân tộc La Hủ (92 đảng viên), dân tộc Mảng (38 đảng viên), dân tộc Cống (33 đảng viên), dân tộc Si La (20 đảng viên). Còn đối với xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), có 9 dân tộc anh em với 666 hộ sinh sống rải rác ở 13 thôn, bản trên núi cao, điều kiện mọi mặt rất khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhưng nay đã chuyển biến rõ rệt, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Một trong những yếu tố quyết định thành công chính là phát huy sức mạnh của mỗi đảng viên, mỗi chi bộ Đảng.

Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận song hệ thống chính trị cơ sở ở nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi còn yếu, đặc biệt tổ chức đảng và đảng viên trong vùng đồng bào DTTS vừa mỏng, vừa yếu. Nhiều thôn, bản, buôn chưa đủ đảng viên để thành lập chi bộ. Công tác phát triển đảng viên là người DTTS còn hạn chế. So với yêu cầu, nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi, công tác phát triển đảng viên vẫn chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Ví dụ: Tỉnh Lai Châu có 86% số dân là người DTTS, nhưng nhiệm kỳ qua, trong tổng số 8.587 đảng viên mới được kết nạp, tỷ lệ người DTTS chưa đến 50%. Ở tỉnh Sơn La, đến hết tháng 3/2016 vẫn còn 87 bản, trường học, trạm y tế chưa có chi bộ và 7 bản chưa có đảng viên.

Thực tế, nhiều cấp ủy cơ sở vùng DTTS chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng về công tác phát triển đảng viên, cho nên chưa chú trọng bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng thường xuyên, lâu dài. Mặt khác, năng lực, trình độ của cán bộ làm nghiệp vụ công tác phát triển Đảng còn bất cập. Khả năng tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên của các đoàn thể ở cơ sở còn hạn chế, chưa tạo được môi trường để quần chúng phấn đấu và rèn luyện…

Vì vậy, để công tác phát triển đảng viên ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt được yêu cầu đề ra cần có những giải pháp hữu hiệu hơn, những cách làm sáng tạo hơn từ cơ sở. Theo nhiều chuyên gia, các tỉnh phải quy hoạch tổng thể xây dựng cơ cấu cán bộ DTTS hợp lý, theo yêu cầu khách quan của địa phương mình. Mỗi địa phương, nhất là địa phương có đông đồng bào DTTS phải chủ động xây dựng cơ cấu cán bộ hợp lý về thành phần dân tộc.

Tăng cường tuyên truyền sâu rộng để thấy ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển Đảng trong đồng bào các DTTS. Thường xuyên mở các lớp đào tạo cán bộ DTTS, nhằm nâng cao trình độ, giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ DTTS. Làm tốt công tác quy hoạch và bồi dưỡng nguồn cán bộ đảng viên phù hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương. Bên cạnh đó, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên để củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, tạo sức thu hút, tập hợp quần chúng ưu tú phấn đấu vào Đảng cũng là giải pháp cần được chú trọng….

HƯƠNG TRÀ

Tin cùng chuyên mục
Thái Nguyên: Góp phần đảm bảo an sinh xã hội từ triển khai hiệu quả việc hỗ trợ BHXH, BHYT cho người nghèo

Thái Nguyên: Góp phần đảm bảo an sinh xã hội từ triển khai hiệu quả việc hỗ trợ BHXH, BHYT cho người nghèo

Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội là các trụ cột chính của hệ thống an sinh, tham gia chính sách này, người dân được hưởng nhiều quyền lợi. Với phương châm “Không bỏ lại ai phía sau”, thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chủ trương nhằm hỗ trợ những nhóm đối tượng yếu thế như hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động tự do… có thể tiếp cận được với chính sách nhân văn này.