Trường PTDT Nội trú ATK Sơn Dương phối hợp với Trung tâm y tế huyện tổ chức khám sức khỏe định kỳ năm học 2023 - 2024 cho học sinh của nhà trường. (Ảnh minh họa)Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Thời gian qua, cơ quan công tác dân tộc tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành nhiều kế hoạch thực hiện các dự án, tiểu dự án về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trọng tâm là tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tham gia thực hiện dự án; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nội dung này trên địa bàn tỉnh.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có những chuyển biến tích cực.
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Đoàn trường PTDT Nội trú ATK Sơn Dương: Đoàn trường đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến học sinh về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng nhiều hình thức phong phú như: chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đồng thời, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề dưới cờ; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền tư vấn, khám sức khỏe miễn phí cho học sinh và giáo viên nhà trường, tuyên truyền cổ động trực quan bằng pano, áp phích... Từ đó, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho đoàn viên, thanh niên nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này.
Còn ở thôn Tân Minh, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, nơi có 80% dân số là đồng bào DTTS. Từ năm 2022 trở về trước, mỗi năm, thôn đều có từ 2 - 3 trưởng hợp tảo hôn. Để ngăn chặn hiệu quả việc tảo hôn, chi bộ, chính quyền thôn đã phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể thường xuyên gần gũi, nắm tình hình các cháu trong độ tuổi kết hôn, thành lập các nhóm trên zalo, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các cuộc họp, hội thi, giao lưu văn hóa văn nghệ;
“Chúng tôi đưa vào quy ước của khu dân cư về tác hại và những hệ lụy của việc tảo hôn; vận động các gia đình tổ chức kết hôn cho con cái đúng độ tuổi quy định. Qua đó, nhận thức của người dân đã nâng lên, hiện nay tình trạng tảo hôn ở thôn đã giảm đáng kể so với trước” - ông Đặng Văn Duyên, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Tân Minh cho biết.
Cán bộ xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chính sách pháp luật về hôn nhân gia đình. (Ảnh minh họa)
Để giảm thiểu nạn tảo hôn, cần tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Triển khai thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình MTQG 1719 và các chương trình khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin, truyền thông, tư vấn, hỗ trợ...
Bà Hoàng Thị ThắmPhó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Tuyên Quang
Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền
Số liệu của Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Tuyên Quang cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tỷ lệ tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS giảm dần. Cụ thể, năm 2021 có 17 trường hợp; năm 2022 có 12 trường hợp; năm 2023 có 16 trường hợp và năm 2024 có 7 trường hợp tảo hôn.
Theo đánh giá, mặc dù công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết luôn được các cấp chính quyền, các ngành quan tâm, đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về các hệ lụy của vấn nạn tảo hôn... Tuy nhiên, tỷ lệ tảo hôn ở địa bàn các xã vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện vẫn còn cao. Do đó, giải pháp quan trọng trong giai đoạn hiện nay là cần tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống đồng bào và để chấm dứt vòng luẩn quẩn đói nghèo, thiếu hiểu biết, chất lượng dân số thấp.
Theo bà Hoàng Thị Thắm, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Tuyên Quang: Để giảm thiểu nạn tảo hôn, cần tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Triển khai thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình MTQG 1719 và các chương trình khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin, truyền thông, tư vấn, hỗ trợ... bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của đồng bào DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật.
Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025” tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn; 3% - 5% số cặp hôn nhân cận huyết thống đối với các địa bàn, các DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS trong hôn nhân và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm tuyên truyền về hôn nhân và ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...