Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hoá Khmer

PV - 14:34, 24/08/2018

Những năm gần đây, du lịch văn hóa tâm linh đã có nhiều bước phát triển đáng kể, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của ngành “công nghiệp không khói” tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, việc phát huy bản sắc văn hóa, của đồng bào dân tộc Khmer để thu hút du khách đã có những tín hiệu đáng mừng.

văn hóa Khmer Đội nhạc ngũ âm của chùa Mahatup (Sóc Trăng).

Đối với tỉnh Hậu Giang, từ nguồn vốn chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS, tỉnh đã có những chương trình, dự án để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào Khmer, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào, đồng thời tạo nên sản phẩm văn hoá cho địa phương.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang cho biết: là tỉnh có đông đồng bào DTTS với 7.777 hộ, hơn 33.203 người, đông nhất là dân tộc Khmer với 24.589 người. Do những tác động của giao lưu kinh tế, tiếp biến văn hóa, hội nhập, đô thị hóa một số loại hình sinh hoạt truyền thống của đồng bào đã dần bị mai một. Chính vì vậy, công tác giữ gìn, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer; xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở; giao lưu văn hóa các dân tộc khác trong cộng đồng các DTTS đã được địa phương chú trọng quan tâm trong nhiều năm qua.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, bằng nhiều hình thức, chính sách, tỉnh đã tạo điều kiện cho đồng bào xây dựng những mô hình du lịch cộng đồng; mở các lớp truyền dạy, khuyến khích cộng đồng, lớp trẻ tham gia văn hóa nghệ thuật; tổ chức các hoạt động lễ hội trong năm như Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sen Đôn ta, Oóc om-bok…

Ông Danh Thị, Người có uy tín ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu đưa ra ví dụ: chùa Ôchumwoongsa được ngành Du lịch quan tâm, chọn làm điểm tham quan du lịch của tỉnh, từ đó đồng bào ở các nơi khác tìm đến tham quan chùa nhiều hơn. Bà con có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, theo đó, phong tục tập quán của đồng bào Khmer cũng được bảo tồn và phát huy.

Hiện nay, du khách đến với Sóc Trăng đều tìm đến ngôi chùa Dơi (Mahatup) hay chùa Chén Kiểu (Xà Lôn) để tận mắt nhìn thấy và lắng nghe những âm thanh từ bộ nhạc ngũ âm chào đón du khách, chiêm ngưỡng nét đẹp, độc đáo từ kiến trúc chùa.

Đặc biệt, chùa Kh’leang, là trụ sở làm việc của Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, được xem là ngôi chùa mẫu. Hòa Thượng Tăng Nô, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì chùa cho biết: Điểm độc đáo về kiến trúc của chùa thể hiện được sự giao thoa văn hóa của 3 dân tộc Kinh-Khmer-Hoa. Ngôi chùa này đã được chọn làm mẫu xây dựng tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Được biết, tại Sóc Trăng, trong 7 tháng đầu năm, đã đón hơn 7.000 lượt khách tham quan các điểm chùa Khmer. Ông Phan Văn Sáu, Bí Thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết: Tỉnh uỷ vừa tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế một số điểm du lịch văn hóa Khmer trong tỉnh. Từ thực tế cho thấy, các chùa vẫn giữ được sự trang nghiêm trong sinh hoạt văn hóa tâm linh, song vẫn phục vụ tốt nhu cầu tham quan cho du khách gần xa.

Điều này cũng đã khẳng định, sự cần thiết về nhu cầu giao lưu văn hoá của đồng bào là thực tế, cần được tiếp tục quan tâm, phát triển theo hướng phát huy và bảo tồn văn hoá, không nghiêng về khai thác du lịch mà đánh mất đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào. Do đó, các lễ hội của đồng bào Khmer gắn với tín ngưỡng, du lịch gắn với phát triển và bảo tồn giá trị văn hóa Khmer cần tiếp tục được nghiên cứu, khai thác và phát huy hết những tiềm năng vốn có, để tạo nên những nét đặc trưng riêng mới lạ cho khách du lịch khi đến miền Tây.

HẠNH NGUYÊN