Gìn giữ, phát huy văn hóa cơ sở
Vùng DTTS&MN Nghệ An chiếm 83% diện tích toàn tỉnh, là nơi cư trú của nhiều thành phần dân tộc, trong đó có 5 DTTS có số lượng lớn là Thái, Mông, Khơ mú, Thổ, Đan Lai… Cư ngụ và sinh sống từ lâu đời, nên di sản văn hóa vùng đồng bào DTTS&MN Nghệ An phong phú về số lượng và đa dạng về loại hình; giàu bản sắc, đậm đà tính dân tộc.
Từ nhu cầu hưởng thụ, duy trì và phát triển văn hóa truyền thống qua Cuộc điều tra 53 DTTS lần thứ 2 năm 2019, Nhà nước và cấp chính quyền địa phương đã xây dựng chính sách, chương trình đầu tư, hỗ trợ trong đó, điển hình những năm qua, Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển, gìn giữ bản sắc văn hóa vùng đồng bào DTTS&MN.
Hiện nay, từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện 2 dự án, gồm: Dự án Tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Nhà cụ Vi Văn Khang tại xã Môn Sơn (huyện Con Cuông) và Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tại bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu). Cả 2 dự án hiện trong quá trình thi công, dự kiến hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Đối với nguồn vốn sự nghiệp, toàn tỉnh đã hoàn thành việc mua sắm, bàn giao trang thiết bị cho 228 nhà văn hóa; xây dựng 1 mô hình văn hóa; xây dựng 10 tủ sách cộng đồng; hỗ trợ chống xuống cấp cho 3 di tích ở vùng đồng bào DTTS.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh chia sẻ: Thực tế cho thấy, Dự án 6 đã và đang có những tác động tích cực đến đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các DTTS&MN. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao; hỗ trợ các hoạt động văn hóa, thể thao; xây dựng tủ sách phục vụ người dân... đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho Nhân dân.
Đáng quan tâm, các hoạt động của Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình MTQG 1719 đang nhận được sự quan tâm triển khai tích cực của chính quyền địa phương và sự hưởng ứng của cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh.
Cơ sở để phát triển không gian sinh hoạt chung
Hiện nay, không gian sinh hoạt văn hóa của vùng đồng bào DTTS&MN Nghệ An trải dài trên 11 huyện, thị đang thiếu và yếu. Qua số liệu rà soát thống kê của ngành Văn hóa Nghệ An, toàn vùng vẫn còn 41 thôn, bản chưa có thiết chế văn hóa, thể thao. Bên cạnh đó, 418 nhà văn hóa thôn, bản đã xây dựng, nhưng xuống cấp hoặc không đảm bảo quy mô, tiêu chuẩn. Việc huy động nguồn lực còn hạn chế, Chương trình MTQG 1719, chủ yếu phụ thuộc ngân sách; trong khi các huyện miền núi gặp khó khăn trong đối ứng vốn.
Theo bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc sở VH&TT Nghệ An, hiện nay, toàn tỉnh đang có một đơn vị cấp huyện chưa có Trung tâm văn hóa huyện, 15 xã chưa có nhà văn hóa cộng đồng, 22 xã chưa có sân vận động, 30 thôn chưa có nhà văn hóa chủ yếu là các thôn, bản vùng miền núi cao. Bà Hạnh thừa nhận tồn tại tình trạng sử dụng thiết chế văn hóa còn lãng phí, bất cập như tình trạng một số sân vận động xóm, xã, huyện chỉ mở cửa sử dụng vào các ngày lễ, tết.
Ngoài những khó khăn, bất cập kể trên, thì còn có những vấn đề khác gây ảnh hưởng đến việc thụ hưởng văn hóa của người dân vùng DTTS&MN Nghệ An. Đó là, đội ngũ cán bộ phụ trách văn hóa ở địa phương thường phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Chưa kể, công tác kiểm đếm, kiểm kê các loại hình văn hóa còn có những khó khăn, bất cập nhất định.
Lấy ví dụ từ việc kiểm kê văn hóa phi vật thể còn gặp những bất cập về bất đồng ngôn ngữ, thiếu kinh phí…; đang là thách thức không nhỏ ảnh hưởng đến quá trình bảo tồn, phục dựng và phát triển; cũng như việc triển khai Chương trình MTQG 1719 và các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở VH&TT Nghệ An cho hay, từ việc thực hiện cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 tại Nghệ An sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy để giúp các cơ quan Trung ương; cũng như các địa phương vùng đồng bào DTTS có được những đánh giá chính xác về hiện trạng không gian sinh hoạt văn hóa vùng đồng bào DTTS Nghệ An.
Đặc biệt, số liệu thống kê từ cuộc điều tra, sẽ là cơ sở để địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách về xây dựng, củng cố cơ sở vật chất văn hóa; nâng cấp, đầu tư thiết chế văn hóa thể thao cho người dân.
Là một địa phương mà thiết chế văn hóa sân vận động chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lô Văn Thao chia sẻ: Không chỉ sân vận động cấp huyện mà mới đây, qua kết quả điều tra thu thập thông tin 53 DTTS còn cho thấy, không gian sinh hoạt văn hóa chung của người dân còn thiếu do quy mô dân số tăng. Chưa kể, tình trạng thừa thiếu cục bộ đang diễn ra. Nơi thiếu thì đã đành, nhưng việc sát nhập đơn vị hành chính dẫn tới thừa thiết chế văn hóa.
"Chúng tôi mong muốn từ kết quả cuộc điều tra, các cơ quan Trung ương và tỉnh có định hướng, giải pháp hỗ trợ huyện trong việc phát triển để đảm bảo không gian sinh hoạt chung cho người dân", ông Lô Văn Thao nhấn mạnh.
Hi vọng, với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và kết quả Cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, sẽ công bố trong thời gian tới, là cơ sở quan trọng để tỉnh Nghệ An triển khai có hiệu quả chính sách, đầu tư, hỗ trợ, xây dựng và phát triển không gian sinh hoạt chung cho đồng bào DTTS trong những năm tiếp theo.