Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Khởi sắc miền biên viễn

Khánh Thi - 10:48, 10/12/2024

Cao Bằng có 10 đơn vị hành chính cấp huyện thì có 7 huyện biên giới; có 161 đơn vị hành chính cấp xã thì có 40 xã biên giới. Từ nguồn lực đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) và các chính sách dân tộc, miền biên viễn Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực; diện mạo nông thôn, miền núi, biên giới khởi sắc, đời sống của đồng bào được nâng lên, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc kiểm tra công trình hồ treo chứa nước tại Khu định canh định cư xóm Tả Cán, xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng được đầu tư từ Chương trình MTQG 1719, tháng 5/2024.
Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc kiểm tra công trình hồ treo chứa nước tại Khu định canh định cư xóm Tả Cán, xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng được đầu tư từ Chương trình MTQG 1719, tháng 5/2024

Đổi thay ở huyện nghèo

Hà Quảng là một trong 7 huyện nghèo của tỉnh Cao Bằng theo Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Toàn huyện có 21 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 8 xã biên giới. Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Quảng có 16 xã khu vực III; 161/195 xóm đặc biệt khó khăn. Dân số toàn huyện trên 60 nghìn người, gồm 5 dân tộc chính cùng sinh sống.

Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Quảng được thụ hưởng nguồn lực đầu tư thuộc 10/10 dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719, với tổng vốn dự kiến được giao trên 655,7 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương trên 652,2 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 3,5 tỷ đồng. Riêng năm 2024, huyện được giao hơn 240,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (tính cả vốn chuyển nguồn và vốn giao mới năm 2024).

Từ nguồn vốn đó, huyện đã phân bổ đầu tư 40 công trình giao thông, 23 công trình nước sinh hoạt tập trung, 6 mương thủy lợi, cải tạo, sửa chữa 5 trường phổ thông dân tộc bán trú, 2 công trình điện sinh hoạt, 1 công trình chợ, 2 công trình hỗ trợ, đầu tư điểm du lịch,... Đồng thời, huyện cũng đầu tư hơn 35,3 tỷ đồng thực hiện 47 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (18 dự án hỗ trợ bò sinh sản, 15 dự án hỗ trợ trâu sinh sản, 8 dự án hỗ trợ làm chuồng trại)...

Nhờ đó, huyện đã có 3/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 99% hộ dân được sử dụng điện; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 4 - 5%. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, chính trị - xã hội ổn định đã góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Theo ông Dương Mạc Kiên, Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS trên địa bàn huyện đạt 29 triệu đồng/người/năm; giảm 7,75% hộ nghèo/năm; 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế; 100% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có điện sinh hoạt…

Diện mạo mới ở thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm.
Diện mạo mới ở thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm

Chính sách đi vào cuộc sống

Tương tự Hà Quảng, diện mạo nông thôn, miền núi, khu vực biên giới của huyện Bảo Lâm cũng đã có nhiều khởi sắc. Với 98% dân số là đồng bào DTTS, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 52%, huyện Bảo Lâm cũng được tỉnh Cao Bằng quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Mã Gia Hãnh, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, lĩnh vực công tác dân tộc luôn được địa phương quan tâm, từ đó tập trung mọi nguồn lực thực hiện tốt các chương trình, chính sách đầu tư vào vùng đồng bào DTTS của huyện. Riêng Chương trình MTQG 1719, từ năm 2021 đến 2024, huyện được cấp gần 477 tỷ đồng để triển khai 10/10 dự án thành phần. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt thì huyện đã thực hiện 198 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tạo sinh kế bền vững cho các hộ thụ hưởng, từ đó nhân rộng ra địa bàn toàn huyện.

Với nhiều cách làm linh hoạt, các chính sách dân tộc triển khai trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, qua đó góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của tỉnh dự kiến năm 2024 đạt 46,98 triệu đồng/người, vượt chỉ tiêu Chương trình MTQG 1719 thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Ông Bế Văn HùngTrưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng

Cũng như huyện Hà Quảng và Bảo Lâm, các huyện biên giới khác của tỉnh Cao Bằng đã và đang có những chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội; góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng đồng bào DTTS và miền núi và khu vực biên giới của tỉnh Cao Bằng. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4%/năm, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, trật tự an toàn xã hội được giữ vững đã củng cố thêm niềm tin của đồng bào DTTS tỉnh Cao Bằng đối với Đảng và Nhà nước.

Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, là tỉnh có gần 95% dân số là đồng bào DTTS, đời sống của đại bộ phân Nhân dân còn nhiều khó khăn, thời gian qua, Cao Bằng được Trung ương bố trí nguồn lực kịp thời để triển khai các chương trình, chính sách dân tộc. Riêng Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021 - 2024, Cao Bằng được giao 3.851,614 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để triển khai 10/10 dự án thành phần.

“Với nhiều cách làm linh hoạt, các chính sách dân tộc triển khai trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, qua đó góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của tỉnh dự kiến năm 2024 đạt 46,98 triệu đồng/người, vượt chỉ tiêu Chương trình MTQG 1719 thực hiện trên địa bàn tỉnh. Góp phần vào kết quả chung của Cao Bằng là sự nỗ lực, chủ động của các địa phương trên toàn tỉnh trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719”, ông Hùng cho biết.

Đọc nhiều