Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Phát triển loại hình du lịch tâm linh

PV - 08:19, 03/10/2018

Với mục tiêu “giữ chân du khách”, tỉnh An Giang xác định phát triển loại hình du lịch tâm linh, dựa trên sự khác biệt của địa phương so với các tỉnh trong khu vực. Hiện nay, việc khai thác sự khác biệt này không những giúp tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương và thu nhập cho người dân, mà còn góp phần gìn giữ bảo tồn tín ngưỡng văn hoá của đồng bào DTTS.

Vừa phát triển, vừa bảo tồn

Ông Men Pholy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: An Giang có vùng đồi núi hùng vĩ, có các làng nghề truyền thống của đồng bào DTTS và lễ hội độc đáo trong các mùa của một năm, góp phần cho An Giang đủ tự tin “giữ chân du khách lâu hơn với vùng đất huyền bí, thần thoại”.

Đua bò bảy nú Đua bò bảy núi

Nhằm từng bước củng cố, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên giới, vùng đồng bào DTTS, trong giai đoạn 2016-2020, chủ trương của tỉnh An Giang là sẽ thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt du lịch tâm linh, thông qua việc xây dựng nhiều mô hình du lịch giữ chân du khách.

Bên cạnh đó, duy trì tốt việc tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch của đồng bào Khmer với các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh tham dự.

Quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer có tầm ảnh hưởng trong khu vực như: Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sen Đônta, đặc biệt là Lễ hội Đua bò Bảy Núi được tổ chức luân phiên hằng năm giữa hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.

Tính đến nay, tỉnh An Giang có 3 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia được công nhận gồm: Lễ hội đua bò Bảy Núi; Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Ngoài ra, tỉnh còn lưu giữ nhiều tư liệu về nghệ thuật Dù kê, đàn Chà Pây của dân tộc Khmer.

Xây dựng nhiều chính sách phát triển du lịch

Để thực hiện được những mục tiêu đề ra, tỉnh An Giang đã ban hành Chương trình hành động phát triển hạ tầng du lịch, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá, xúc tiến du lịch. Đồng thời, xây dựng 24 danh mục kêu gọi đầu tư trong thương mại-dịch vụ-du lịch.

Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch tỉnh cho biết: Thời gian qua, tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên, hậu thuẫn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ du lịch nói chung và phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, là trong lĩnh vực phát triển du lịch tâm linh, tỉnh xác định, đây là một trong những xu thế phát triển mới của ngành Du lịch ở nước ta. Bởi, phát triển du lịch tâm linh không chỉ giải quyết công ăn việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho đồng bào mà còn giúp gìn giữ, bảo tồn tín ngưỡng văn hóa dân gian của đồng bào DTTS địa phương.

Song song với bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống, công tác xây dựng con người, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan… đang được các địa phương đẩy mạnh, nhằm mục tiêu xây dựng gia đình văn hóa, phum, sóc văn hóa, điểm sáng văn hóa biên giới.

Ông Lê Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết: Lượng khách đến An Giang thời gian qua tương đối cao và đều đặn. Tuy nhiên, lượng khách lưu trú lại An Giang chưa nhiều. Vì vậy, thông qua các lễ hội, chủ trương của tỉnh là tạo ra môi trường du lịch thân thiện, kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các loại hình dịch vụ chất lượng cao để phục vụ và giữ chân du khách.

N.TÂM

Tin cùng chuyên mục
Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Giải Đua ngựa Shanrila Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) được diễn ra với sự tham gia thi đấu của 64 nài ngựa, đến từ 5 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái. Đây là sự kiện thể thao Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).