Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển mạng lưới chợ vùng đồng bào DTTS và miền núi: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Cù Hương - Tùng Nguyên - 08:20, 19/11/2023

Thời gian qua, từ nguồn ngân sách Nhà nước, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đầu tư phát triển mạng lưới chợ truyền thống. Việc phát triển chợ ở miền núi và vùng đồng bào DTTS không chỉ giúp đẩy mạnh giao thương mà còn lan tỏa nét văn hóa vùng miền.

Chợ là nơi hội tụ, lan tỏa nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS (Trong ảnh: Một góc chợ phiên Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu)
Chợ là nơi hội tụ, lan tỏa nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS (Trong ảnh: Một góc chợ phiên Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu)

Không chỉ là nơi giao thương

Pác Nặm (Bắc Kạn) là huyện có 98% dân số là đồng bào DTTS, do vậy, đến Pác Nặm, nhất là vào dịp các phiên chợ, sẽ thấy được một bức tranh đa sắc màu vô cùng rực rỡ, từ những bộ váy áo thổ cẩm của phụ nữ các dân tộc, những hoạt động mua bán mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người vùng cao.

Một trong những địa điểm để khám phá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các DTTS ở huyện Pác Nặm, là chợ phiên Công Bằng (xã Công bằng). 5 ngày họp một phiên (vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22 và 27 âm lịch hàng tháng), từ lâu, chợ phiên Công Bằng không chỉ là nơi mua, bán hàng hóa của bà con trong huyện mà còn là nơi trao đổi giao lưu tâm tình, mang đậm nét văn hóa dân tộc.

Là địa bàn giáp ranh với các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng nên chợ phiên Công Bằng giao thương có nhiều mặt hàng đặc sản, cũng như nhiều nét văn hóa truyền thống của các tỉnh bạn. Để tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc trong huyện và các vùng phụ cận có nơi giao lưu, thông thương hàng hóa nông sản, trong năm 2022, từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719), huyện Pác Nặm đã phân bổ kinh phí để xây mới chợ Công Bằng.

Chợ ở miền núi không chỉ là mua bán mà còn là nơi đồng bào các dân tộc giao lưu, chia sẻ. (Trong ảnh: Một góc chợ phiên Bắc Hà, Lào Cai).
Chợ ở miền núi không chỉ là mua bán mà còn là nơi đồng bào các dân tộc giao lưu, chia sẻ. (Trong ảnh: Một góc chợ phiên Bắc Hà, Lào Cai).

Chợ Công Bằng là một trong 88 chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã và sẽ được đầu tư xây mới (trên nền chợ cũ) từ nguồn vốn thuộc Nội dung số 2, Tiểu dự án 1 – Dự án 4 của Chương trình MTQG 1719. Vốn được phân bổ theo Quyết định số 652/QĐ - TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện 03 Chương trình MTQG. Bên cạnh 88 chợ được đầu tư xây mới, thì trong giai đoạn 2021 – 2025, từ vốn Chương trình MTQG 1719, toàn tỉnh Bắc Kạn sẽ có thêm 56 chợ được nâng cấp, cải tạo.

Theo đánh giá của đại diện Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn, việc phát triển chợ ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS của tỉnh là hết sức cần thiết để tránh việc hình thành chợ cóc, chợ tạm gây mất an ninh trật tự, mỹ quan; phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại

“Chợ không chỉ có vai trò đối với hoạt động kinh doanh hàng hóa mà còn cả yếu tố văn hóa, xã hội mà còn là nơi phản ánh phong tục tập quán của mỗi địa phương, là nơi sinh hoạt văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc. Người dân đến chợ không chỉ với mục đích là mua bán hàng hoá mà còn để giao tiếp, gặp gỡ người thân, trao đổi công việc…; Chợ miền núi cũng là nơi tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước đảm bảo an ninh, trật tự xã hội”, đại diện Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn đánh giá.

“Cú hích” từ Chương trình MTQG 1719

Không phải từ giai đoạn 2021 – 2025 mà trước đây, chủ trương củng cố mạng lưới chợ khu vực miền núi đã được cụ thể bằng chính sách trong nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là trong Chương trình 135. Ngay tại huyện Pác Nặm (Bắc Kạn), từ năm 2007, chợ phiên xã Nghiên Loan đã được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135; năm 2014, chợ tiếp tục được đầu tư mở rộng, góp phần đưa chợ Nghiên Loan trở thành một trong những chợ trâu, bò lớn nhất của khu vực.

Chợ là kênh quảng bá hiệu quả các sản phẩm đặc trưng của đồng bào các DTTS.
Chợ là kênh quảng bá hiệu quả các sản phẩm đặc trưng của đồng bào các DTTS.

Phát triển mạng lưới chợ miền núi tiếp tục được đưa vào một nội dung trong Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo giai đoạn 2015 – 2020.

 Tuy nhiên, theo Báo cáo số 1533/BC-UBDN ngày 11/11/2020 của Ủy ban Dân tộc về kết quả rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi, chính sách đầu tư phát triển mạng lưới chợ theo Quyết định số 964/QĐ-TTg không còn phù hợp với thực tiễn.

“Mặc dù quy định xây dựng hạ tầng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo từ ngân sách Trung ương, nhưng do chưa có mục riêng về vốn đầu tư phát triển chợ nên các địa phương còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện”, Ủy ban Dân tộc đánh giá.

Từ đề xuất của Bộ Công thương, giai đoạn 2021 – 2025, chính sách đầu tư phát triển chợ khu vực miền núi được tích hợp trong Nội dung số 2, Tiểu dự án 1 – Dự án 4 Chương trình MTQG 1719. Theo văn bản số 4292/BCT-TTTN ngày 25/7/2022 của Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG 1719 do Bộ chủ trì, giai đoạn 2021 – 2025, sẽ có 3.788 chợ được đầu tư xây mới (trên nền chợ cũ) thuộc 37 tỉnh, trong đó Sơn La là tỉnh có số lượng chợ được xây mới nhiều nhất, với 176 chợ; cùng với đó sẽ có 1.972 chợ trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố được nâng cấp, cải tạo.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, với mỗi địa phương, nhất là khu vực miền núi miền núi, chợ không phải chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi giao lưu, kết nối xúc tiến thương mại, thậm chí là mang đậm văn hoá của vùng miền. Phát triển chợ miền núi sẽ không chỉ giúp tạo dựng nơi giao thương hàng hóa mà còn giúp lan tỏa văn hóa vùng miền đến người tiêu dùng và khách du lịch. 

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, Bộ Công Thương đã xây dựng và hướng dẫn địa phương đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp được mạng lưới chợ của vùng đồng bào DTTS, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là bước tiến mạnh mẽ và là giải pháp đồng bộ khi các bộ, ngành và các địa phương đều được phân công những nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Qua đó khẳng định, phát triển thương mại vùng đồng bào dân DTTS là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.