Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Phát triển nguồn nhân lực y tế vùng DTTS và miền núi: Giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng y tế cơ sở (Bài 1)

Thúy Hồng - 18:04, 28/02/2021

Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế nhằm góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại những địa bàn khó khăn, vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, nguồn nhân lực y tế chất lượng cao ở tuyến cơ sở đến nay vẫn còn hạn chế, trong khi nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của Nhân dân đang ngày càng cao...

Việc tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao về tuyến cơ sở giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết.
Việc tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao về tuyến cơ sở giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết.

Để tăng cường nhân lực, đáp ứng cho nhu câu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân ngày càng cao ở tuyến y tế cơ sở, ngành Y tế đã trển khai nhiều giải pháp như, tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng dẫn chuyên môn cho y tế cơ sở, thực hiện chế độ luân phiên hai chiều, thí điểm đưa đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác vùng khó khăn… Những giải pháp này, cũng đã góp phần tăng cường nguồn nhân lực y tế chất lượng cao ở cơ sở vùng DTTS và miền núi.

Hiệu quả từ một dự án

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cho các địa phương, các vùng kinh tế xã hội khó khăn, bên cạnh việc thực hiện cử cán bộ có chuyên môn, luân phiên từ Bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, ngày 20/3/2013, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 585/QĐ-BYT, phê duyệt dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” (gọi tắt là Dự án 585).

Theo TS. Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế): Theo điều tra ban đầu, 62 huyện nghèo cần 598 bác sĩ chuyên khoa I chuyên sâu. Đến thời điểm này, Dự án 585 đã đào tạo được 354 bác sĩ trẻ chuyên khoa cấp I ở các lĩnh vực, bố trí về công tác tại các bệnh viện thuộc các huyện nghèo của 22 tỉnh, các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó, có 310 bác sĩ là cán bộ y tế tại 62 huyện nghèo, có gia đình, vợ chồng và đang công tác tại địa phương, ngoài ra có 44 bác sĩ tình nguyện từ Trung ương về tình nguyện tại địa phương.

BS Sìn Đức Văn, Giám đốc BVĐK khu vực Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết, Dự án 585 mang đến rất nhiều lợi ích cũng như ý nghĩa với địa phương. Dự án 585 được thực hiện tại Hoàng Su Phì làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, bệnh viện có bác sĩ về công tác và đã chuyển giao một số kỹ thuật mới. Giai đoạn 2 dự án, là đào tạo bác sĩ tại chỗ. Việc này rất hiệu quả đối với một địa phương còn khó khăn về nhân lực như Hoàng Su Phì.

Dự án 585 là bước đột phá của ngành y tế, trong việc tiến tới bảo đảm đủ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó, tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Từng bước nâng cao chất lượng y tể

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, những năm trước đây, hệ thống cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực y bác sĩ vẫn còn nhiều hạn chế và thiếu thốn. Tuy nhiên, nhiều năm qua, với việc từng bước đầu tư trang bị thiết bị cơ sở vật chất, đặc biệt là chính sách đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ y bác sĩ, nhờ đó chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở Lạng Sơn ngày được nâng cao.

Đơn cử như, tại Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng, đội ngũ y, bác sĩ luôn được chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực khám chữa bệnh. Từ năm 2019, đã có 17 cán bộ được cử đi học đại học và sau đại học, 22 cán bộ được tham gia khóa đào tạo chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu. Gần 400 lượt cán bộ được tập huấn về triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện tại bệnh viện, quy trình giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, công tác quản lý, điều trị bệnh nhân sốt rét, đái tháo đường…

Bác sĩ Nguyễn Thế Độ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng cho biết: Thời gian qua, Trung tâm chú trọng đầu tư từ Trung tâm đến y tế các xã cả về điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực, nhất là việc tăng cường bác sĩ về các trạm y tế xã, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Theo đó, hiện nay, Trung tâm đã đưa kỹ thuật mổ nội soi vào điều trị sản khoa, ngoại khoa, qua đó, giảm tỉ lệ chuyển tuyến, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, rút ngắn thời gian điều trị nội trú, giảm chi phí cho người bệnh.

Các Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tràng Định, Lạng Sơn khám chữa bệnh cho người dân.
Các Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tràng Định, Lạng Sơn khám chữa bệnh cho người dân.

Tại Lai Châu, song song với việc trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được quan tâm, tỉnh còn ưu tiên tăng cường đội ngũ cán bộ y tế. Hiện nay, toàn ngành y tế tỉnh hiện có trên 2.800 người, đều được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đến năm 2020 tỉnh đạt trên 12 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ xã có bác sỹ làm việc đạt 78,7%, 90 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

 Các quy trình kỹ thuật chuyên môn, từng bước mở rộng dịch vụ kỹ thuật từ tuyến tỉnh đến tuyến xã; nhiều dịch vụ kỹ thuật cao được triển khai thực hiện tại các bệnh viện tỉnh và tuyến huyện…; Qua đó, chất lượng khám, chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh từng bước được nâng lên rõ rệt.

Từ thực tế các địa phương cho thấy, việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ, đã góp phần tăng nhanh số lượng và chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực y tế. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, số lượng và chất lượng nhân lực y tế tăng qua các năm. Năm 2011, số bác sĩ (kể cả thạc sĩ và tiến sĩ) cả nước là 64.422 người; số dược sĩ là 16.785 người (kể cả thạc sĩ, tiến sĩ). Thống kê mới nhất đến năm 2018, Việt Nam có 77.995 bác sĩ và 128.386 y tá, bước đầu giải quyết một phần thiếu hụt nhân lực y tế tế ở các tuyến trên toàn quốc.

Tuy nhiên, trên thực tế, tỉ lệ số lượng y bác sĩ so với tổng dân số thì, Việt Nam có chưa đến 1 bác sĩ và 2 y tá/1.000 người dân. Đây là con số còn khiêm tốn trong bối cảnh nhu cầu dành cho chăm sóc y tế của Nhân dân đang ngày càng tăng.