Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sống khỏe

“Vực dậy” các cơ sở y tế sau mưa lũ

Nguyễn Thanh - 11:25, 24/11/2020

Mưa lũ miền Trung đã nhấn trong biển nước trang thiết bị khám chữa bệnh của nhiều cơ sở y tế. Thậm chí có nơi, nhiều hạng mục cơ sở vật chất, công trình phụ trợ còn bị đất đá vùi lấp. “Vực dậy” những cơ sở y tế này đang là vấn đề cần được quan tâm hơn để đáp ứng công tác phòng chống dịch và nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân sau mưa lũ.

Trạm Y tế xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị ngập sâu trong đợt mưa lũ tháng 10
Trạm Y tế xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị ngập sâu trong đợt mưa lũ tháng 10

Công tác khám chữa bệnh bị ảnh hưởng nặng

Sau trận lũ kinh hoàng ngày 17/10, Trạm y tế xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) bị ngập trong bùn nhão. Công tác khám chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe (CSSK) ban đầu cho Nhân dân nơi đây, đang bị ảnh hưởng nặng do một số trang thiết bị, cơ sở vật chất của trạm y tế bị hư hỏng.

Chị Đinh Thị Hồng Nhớ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hướng  lo lắng: “Nhiều bàn, ghế, tủ, máy tính… phục vụ KCB và làm việc tại Trạm đã bị hư hỏng nặng. Chúng tôi đang rất lo và chưa biết xử lý thế nào vì không có kinh phí. Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì rất nguy bởi hoạt động KCB đang gặp nhiều khó khăn”.

Theo Sở Y tế Quảng Trị cho biết, khoảng 50% trạm y tế xã bị ngập lụt, trong đó có 40 trạm y tế bị ngập nặng, nhiều trạm bị lún nền, sập tường rào, hệ thống mái che bị thấm dột, hư hỏng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế… đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác KCB tại cơ sở.

Tại tỉnh Quảng Bình, nhiều cơ sở y tế cũng đã bị thiệt hại nặng nề, khiến cho việc KCB chưa thể “trơn tru” như trước. Đợt mưa lũ khiến hơn 100 trạm y tế ngập lụt, đặc biệt là 2 bệnh viện đa khoa ở 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy chịu thiệt hại nhất.

Ông Thái Văn Công, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho hay: Nước ngập vào Bệnh viện tới hơn 2 m khiến hệ thống máy chủ có nguy cơ cao bị hỏng nặng; 3 máy giặt, là, sấy; hệ thống xử lý nước thải; nhà máy phát điện bị ngập sâu; hệ thống mô tơ chạy máy phát điện hay bơm nước lên bể, hệ thống cứu hoả... đều đã hỏng. Ngoài ra, trang thiết bị văn phòng, hồ sơ bệnh án bị nước ngập gây khó khăn cho công tác chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ.

Tương tự, trong đợt mưa lũ tháng 10/2020, toàn ngành Y tế Hà Tĩnh có gần 50 cơ sở y tế bị ngập, trong đó có 1 bệnh viện, 1 trung tâm y tế. Do ngập lụt nên một số trang thiết bị y tế bị hư hỏng nặng. Thống kê toàn ngành có 60 bộ máy tính, 60 bộ máy in, 50 bộ bàn ghế, 10 tủ lạnh, 10 tủ sấy, 2 bộ hệ thống phát điện; 1 hệ thống máy chủ, 1 hệ thống lò đốt rác; 3 hệ thống máy chụp X quang, 2 máy giặt công nghiệp, 15 máy lọc nước, 4 hệ thống hấp sấy, 3 ô tô cứu thương… bị hư hỏng nặng, thiệt hại ước tính gần 25 tỷ đồng.

Ông Đường Công Lự, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh chia sẻ, những thiệt hại này đã ảnh hưởng tới hoạt động của các đơn vị y tế, kéo theo đó công tác KCB, điều trị cho bệnh nhân bị ảnh hưởng theo.

Sở Y tế Nghệ An cấp phát thuốc, hóa chất xử lí môi trường sau lũ cho người dân vùng ngập lụt.
Sở Y tế Nghệ An cấp phát thuốc, hóa chất xử lí môi trường sau lũ cho người dân vùng ngập lụt.

“Vực dậy” các cơ sở y tế như thế nào?

Thiệt hại do mưa lũ đối các cơ sở y tế rất nặng nề, tuy nhiên không vì thế mà công tác CSSK cho người dân bị gián đoạn. Bà Đinh Thị Hồng Nhớ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa thông tin: “Cán bộ, nhân viên của Trạm đã nhiều tuần không nghỉ để dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên sạch sẽ. Những trang thiết bị hư hỏng đang được dùng tạm để phục vụ chuyên môn. Còn về lâu dài thì rất cần sự hỗ trợ kinh phí để đầu tư mua mới”.

Lũ đi qua, trong điều kiện thiếu phòng làm việc, một số trang thiết bị y tế bị hư hỏng, nhưng đội ngũ cán bộ của nhiều cơ sở y tế luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, hằng ngày vẫn sắp xếp, bố trí lịch khám bệnh hợp lý tại trạm để phục vụ người dân. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Hùng chia sẻ: “Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao của ngành Y tế, sự nỗ lực của các địa phương, đến thời điểm này, các cơ sở y tế trong tỉnh đã cơ bản khôi phục hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu CSSK  của Nhân dân tại cơ sở, đặc biệt là thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch bệnh sau lũ”.

Bộ Y tế cũng đã thành lập các đoàn công tác về thị sát, đôn đốc việc khắc phục hậu quả, sớm ổn định hoạt động của các cơ sở y tế ở miền Trung sau mưa lũ. Với phương châm  bảo đảm 100% người dân trên địa bàn được CSSK khi có nhu cầu. Lãnh đạo nhiều cơ sở y tế cho hay, thời điểm sau lũ, họ đã phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần so với ngày thường, bởi khối lượng công việc quá lớn. Đội ngũ cán bộ y tế vừa tổ chức dọn dẹp, khắc phục tại trạm, vừa hướng dẫn người dân vệ sinh, tiêu độc khử trùng, rồi thăm khám cho những bệnh nhân đến trực tiếp tại trạm.

Các cơ sở y tế vùng miền Trung đang rất cần sự hỗ trợ bằng kinh phí để tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm máy móc hư hỏng. Nguồn kinh phí ấy là số tiền rất lớn mà nội tại các cơ sở y tế này không thể kham nổi. Sự hỗ trợ lúc này sẽ là một trong những giải pháp tốt nhất để “vực dậy” các cơ sở y tế sau mưa lũ.

Tin cùng chuyên mục
Cúm A và những điều cần biết

Cúm A và những điều cần biết

Thời tiết giao mùa cũng là lúc gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh cúm mùa đặc biệt là cúm A. Cúm A có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách. Do đó, chúng ta cần trang bị kiến thức về căn bệnh này để phòng và trị bệnh một cách tốt nhất cho bản thân và gia đình.