Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Cư M’gar

PV - 15:11, 16/04/2019

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở huyện CưM’gar (tỉnh Đăk Lăk) đã có những chuyển biến tích cực. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, từ đó nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm của nông sản.

Trồng rau thủy canh là một trong những mô hình điển hình của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Agrieco Việt Nam tại tổ dân phố 6, thị trấn Quảng Phú, huyện CưM’gar. Trên diện tích 4.000 m2, Công ty trồng các loại rau như: cải xanh, cải ngọt, tần ô và các loại xà lách...

Thay vì gieo trồng trên mặt đất như rau truyền thống, hạt giống rau thủy canh được ươm trong mút xốp đã được xử lý nấm bệnh, khi cây phát triển mới được tách ra cho vào những rọ bằng nhựa và đưa lên giàn trồng. Nước tưới cho rau được bơm từ bể chứa lên hệ thống ống nhựa, sau đó chảy xuống rồi quay về bể chứa thành một vòng tuần hoàn khép kín. Toàn bộ hệ thống được điều khiển tự động, giúp quy trình chăm sóc rau được đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, từ lúc gieo cho đến khi cho thu hoạch khoảng 20-25 ngày, thấp hơn nhiều so với trồng truyền thống…

Mô hình trồng rau thủy canh của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Agrieco Việt Nam. Mô hình trồng rau thủy canh của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Agrieco Việt Nam.

Các loại rau sản xuất theo hình thức này là loại thực phẩm sạch, vì quá trình sản xuất không sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, đầu ra cho sản phẩm rất ổn định, sản phẩm chủ yếu được cung cấp cho các siêu thị và cửa hàng rau sạch trong và ngoài tỉnh.

Đây chỉ là một trong nhiều mô hình đang được triển khai tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 05ha của huyện Cư M’gar tại Tổ dân phố 6, thị trấn Quảng Phú. Trên diện tích này, huyện Cư M’gar đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, với các sản phẩm như: rau xanh, chanh dây, cam, quýt… Các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã mở ra hướng đi mới, nhiều triển vọng cho sản xuất nông nghiệp ở huyện Cư M’gar, đồng thời góp phần nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.

Ông Hứa Chấn Trí, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar cho biết: “Tại khu vực 5ha này, đến nay đã có khoảng trên 3ha đã được các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao. Thực tế cho thấy, rau, củ, quả được áp dụng công nghệ cao, đảm bảo hơn về mặt an toàn thực phẩm nên rất được thị trường ưa chuộng, do vậy đầu ra luôn ổn định, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp. Ngoài thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar cũng đang triển khai hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa bàn xã Ea Kpam, với diện tích 100ha…”.

Hiện nay, huyện Cư M,gar đang tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình có năng lực, đủ điều kiện đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các khu vực đã quy hoạch, cùng nhiều chính sách ưu đãi. Đây chính là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

TRUNG DŨNG

Tin cùng chuyên mục
18,7% người dùng internet Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến

18,7% người dùng internet Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến

Dữ liệu mới đây từ Kaspersky (Hãng bảo mật phần mềm của Nga) công bố cho biết, các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là các hình thức lừa đảo tinh vi hay tấn công phi kỹ thuật đang diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi, cần hết sức đề cao cảnh giác. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam.