Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Phát triển vật nuôi đặc sản bản địa đem lại lợi nhuận cao

Hoàng Quý - 15:34, 08/10/2021

Những năm qua, triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Tuyên Quang bước đầu đã hình thành, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào chăn nuôi trang trại, gia trại gia súc, gia cầm. Đặc biệt là chú trọng tạo ra các sản phẩm hàng hóa đặc sản, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Lợn đặc sản đang mở hướng đi đúng cho người chăn nuôi
Nuôi lợn đặc sản đang mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi

Huyện Yên Sơn là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi lợn đen sinh sản giống bản địa theo hướng an toàn sinh học. Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo tiền đề để cải thiện sinh kế, giúp người dân nâng cao đời sống.

Gia đình chị Đỗ Thị Chiều, thôn Đồng Cướm là một trong những hộ có đàn lợn đen nhiều nhất xã Trung Sơn (Yên Sơn). Hiện nay, đàn lợn của chị Chiều đã phát triển lên đến hơn 400 con, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Chị Chiều cho biết trước đây, gia đình chị cùng đã chăn nuôi lợn, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên năng suất không cao. Từ năm 2019, khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi lợn đen sinh sản giống bản địa theo hướng an toàn sinh học, chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia.

“Khi tham gia mô hình này, chỉ từ 1 con lợn đực giống và 9 con lợn cái. Tận dụng diện tích đất vườn, gia đình chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Nhờ chăm sóc đúng theo hướng dẫn kỹ thuật nên đàn lợn của gia đình không bị dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi” chị Chiều phấn khởi chia sẻ.

Được biết năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi lợn đen sinh sản giống bản địa theo hướng an toàn sinh học tại xã Trung Sơn, Phú Thịnh (Yên Sơn) với 9 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 1 con lợn đực giống và 9 con lợn cái.

Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi về kỹ thuật phối giống, phối trộn các loại thức ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho lợn nái và nuôi con theo từng giai đoạn. Người tham gia mô hình còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lợn nái hậu bị, lợn chuẩn bị đẻ, sau đẻ; kỹ thuật đỡ đẻ và chăm sóc lợn con; kỹ thuật phòng trị bệnh cho lợn. Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay tổng đàn lợn đã phát triển lên đến gần 900 con của 94 hộ nuôi.

Lợn đen đặc sản của tỉnh Tuyên Quang
Lợn đen đặc sản của tỉnh Tuyên Quang

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang thì lợn đen là một trong những giống lợn có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với nhiều điều kiện sống. Chính vì thế, tỉnh Tuyên Quang đã lựa chọn, hỗ trợ người dân nhân giống lợn đen bản địa phát triển chăn nuôi quy mô lớn, bảo đảm lợn đen trở thành hàng hóa chủ lực đặc sản của địa phương.

Việc nhân rộng và phát triển mô hình lợn đen bản địa đã làm thay đổi nhận thức của người dân về việc chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập. Đồng thời cũng là cơ sở để tiến tới xây dựng thương hiệu lợn đen Phú Thịnh, Trung Sơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.