Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phố làng

Nguyễn Tri Thức - 09:43, 25/06/2021

Mãi từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi nhập học chốn kinh kỳ đô hội, lần nào về quê tôi cũng rơi vào trạng thái nôn nao, náo nức. Không hẳn vì được đắm chìm trong bầu không khí gia đình. Không chỉ là được thưởng thức những bữa tươi mọi người chăm chút. Không vì một điều gì cụ thể cả. Mà cứ trộn lẫn những thân thuộc, gắn kết yêu thương.

Làng quê Việt
Làng quê Việt (Ảnh minh họa)

Ăm ắp tuổi thơ rực rỡ sắc màu. Từ ngôi nhà cấp bốn nhỏ xinh, mảnh vườn đủ các loại cây, dòng sông mát xanh, cánh đồng ngút ngàn hay những con đường đất bụi mù lúc khô, nhão nhoẹt lầy lội khi trời mưa. Từ những công việc không tên đầu tắt mặt tối đắp đổi những bữa cơm đạm bạc thời gian khó. Từ những xó xỉnh bờ tre, thoai thoải triền đê hay cảm giác ngóng đợi bước chân mẹ đi chợ về… Làng quê thân thương, khó nhọc rợp bóng những rặng tre, những cây trái truyền thống như chuối, na, mít, ổi, hồng xiêm, đu đủ…

Mỗi lần lên tàu chợ về quê, thậm chí “đi chui” vì tiền bố mẹ cho hết nhẵn, từ ga xép về nhà tung tăng, dạt dào cảm xúc với cánh đồng, dòng sông, bờ đê. Những kỷ niệm ăm ắp ùa về, đủ cả gặt hái, cấy cày, tát vét, câu cá, đánh lươn đến tắm sông, chơi trốn tìm. Cả những lần thót tim vì trốn nhà theo lũ bạn đi hái trộm bưởi, nhổ trộm lạc bị phát hiện. Mỗi lần về quê háo hức thế, dù không để ý cũng thấy những đổi thay dễ phát hiện, từ trong nhà mình đến ngoài ngõ xóm làng quê. Dần dà, là sự xuất hiện của xe máy, công nông, rồi ô tô. Là những con đường được mở rộng, bê tông hóa, từ trong làng ra ngoài đồng. Là thưa vắng dần những bụi tre, bờ ao khi những ngôi nhà cao tầng đồ sộ mọc lên, tinh tươm, nồng nặc sắc màu vôi ve, kiểu dáng. Rồi những cửa hàng tạp hóa xuất hiện, tiện lợi như phố thị nhỏ xinh…

Thời gian trôi không dừng. Những đổi thay trên mọi mặt dần biến làng thành phố. Nay làng không còn xanh bóng cây nữa, những bụi tre quen thuộc diện giữ đất, giữ làng cũng họa hoằn mới thấy. Đời sống người dân khấm khá hơn, đủ chuyện hơn, dịch vụ tiện lợi, chỉ cần một cú điện thoại là có từ ô tô đi lại, đến đặt cỗ bàn, tiệc tùng liên hoan hay linh đình đám cưới…

Tất nhiên, bao giờ cũng vậy, ở đâu chả thế, sự phát triển “nóng” luôn đi kèm với không ít hạn chế, rủi ro. Làm sao mà khác được! Tăng trưởng mạnh mẽ luôn song hành với việc phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh, bất an nhất là môi trường sống không còn thực sự an toàn theo nghĩa bóng nữa. Nông thôn mới đã đổi khác, thậm chí “lột xác” làng quê gần như hoàn toàn.

Nếu có ai hoài niệm cũ xưa mà muốn tìm lại chút nào đó bình yên, nhọc nhằn, khó khăn, mặn nồng xưa cũ cũng không hề dễ dàng. Có chăng, chỉ chợt thấy trong ký ức mà thôi...

Tin cùng chuyên mục
Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Kim Bôi (Hòa Bình): Hiệu quả tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa (Bài 5)

Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Kim Bôi (Hòa Bình): Hiệu quả tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa (Bài 5)

Những năm qua, huyện Kim Bôi đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm giảm thiểu tiến tới xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT). Thực tế cho thấy, tuyên truyền, PBGDPL bằng hình thức giao lưu sân khấu hóa đạt hiệu quả nổi bật, thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo Nhân dân.