Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em DTTS và miền núi: Hy vọng từ Chương trình mục tiêu quốc gia (Bài 2)

Thúy Hồng - 20:51, 15/03/2020

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 do Ủy ban Dân tộc chủ trì xây dựng có dự án chăm sóc y tế cho đồng bào vùng DTTS, nhiệm vụ trọng tâm là phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) bà mẹ, trẻ em và nâng cao tầm vóc người DTTS. Đây là một trong những dự án được kỳ vọng sẽ rút ngắn khoảng cách SDD trẻ em vùng DTTS và miền núi so với cả nước.

Phòng chống SDD bà mẹ, trẻ em góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc người DTTS
Phòng chống SDD bà mẹ, trẻ em góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc người DTTS


Mặc dù đã có rất nhiều chương trình, dự án được triển khai nhằm phòng, chống SDD cho trẻ em, tuy nhiên đến nay ngành Y tế vẫn chưa có những giải pháp, cơ chế, chính sách, chế độ dinh dưỡng phù hợp với những yếu tố mang tính đặc thù của cộng đồng các DTTS.

Trong các dự án trước đây, đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng chủ yếu là kiêm nhiệm, sự sáp nhập giữa các cơ quan y tế ở cấp cơ sở cũng gây xáo trộn đến nguồn lực để triển khai thực hiện tại địa phương. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính để đầu tư thực hiện các chương trình trong giai đoạn trước vẫn còn dàn trải, chưa tập trung theo khu vực để rút ngắn khoảng cách vùng, miền có tỷ lệ trẻ em SDD cao. Hầu như chưa có kinh phí để thực hiện các dự án riêng biệt về dinh dưỡng mà vẫn phải lồng ghép nguồn lực vào các chương trình dự án khác nhau. Chế độ phụ cấp đối với đội ngũ y tế cơ sở thấp nên chưa thu hút được nguồn nhân lực để thực hiện. 

Cụ thể, mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1896/QĐ-TTg về Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống SDD bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”. Mặc dù Chương trình được kỳ vọng sẽ giải quyết căn bản gánh nặng kép về dinh dưỡng, tuy nhiên về kế hoạch hành động, nguồn lực và nguồn ngân sách thực hiện vẫn là lồng ghép trong các chương trình, dự án có liên quan, vẫn chưa có giải pháp riêng, nhất là đối với vùng DTTS và miền núi. 

 Trong Chương trình MTQG thuộc Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 do Ủy ban Dân tộc chủ trì xây dựng có Dự án chăm sóc y tế, trong đó chú trọng vào chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em. Dự án sẽ tập trung vào nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phòng chống SDD bà mẹ, trẻ em, nâng cao thể lực tầm vóc người DTTS. Đối tượng được hỗ trợ sẽ là bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Mục tiêu của Dự án đến năm 2030 là nâng cao chất lượng dân số, chú trọng chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, điều trị một số bệnh trước sinh và sơ sinh... 

Tiến sĩ Huỳnh Nam Phương, chuyên gia Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cho biết: Dự án chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phòng chống SDD bà mẹ, trẻ em, nâng cao thể lực tầm vóc người DTTS do Ủy ban Dân tộc xây dựng và Đề án 1896 vừa mới được Chính phủ ký ban hành là hai chương trình riêng biệt, không chồng chéo. Đây là hai Dự án hỗ trợ, bổ sung cho nhau, tập trung được tất cả nguồn lực, các giải pháp kỹ thuật để cải thiện hiệu quả tỷ lệ SDD của trẻ em ở Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

 Hy vọng, tình trạng SDD nói chung, tình trạng SDD ở trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng sẽ giải quyết căn cơ những bất cập còn tồn tại trước đây. 

Tin cùng chuyên mục