Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách và đời sống

Phòng Dân tộc huyện Mèo Vạc: Làm tốt công tác tham mưu thực hiện chính sách dân tộc

Vũ Mừng - 02:09, 17/07/2024

Với vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc (CTDT), những năm qua Phòng Dân tộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã kịp thời tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn.

Niềm vui của phụ nữ dân tộc Dao huyện Mèo Vạc khi xuống chợ
Niềm vui của phụ nữ dân tộc Dao huyện Mèo Vạc khi xuống chợ

Là huyện vùng cao biên giới với 17 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 97,64% dân số toàn huyện, nên việc đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và thực hiện các chính sách dân tộc (CSDT) luôn được huyện Mèo Vạc quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, những năm gần đây, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG): Nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào nơi đây có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Nông Văn Ngay, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mèo Vạc cho biết: Xác định CTDT và thực hiện các chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn huyện là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài. Vì vậy, huyện đã ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất; chăn nuôi, chú trọng công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Cùng với đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường, cùng với sự đầu tư của Nhà nước để vươn lên phát triển kinh tế.

Xác định CTDT và thực hiện các chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn huyện là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài. Vì vậy, huyện đã ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất; chăn nuôi, chú trọng công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.”

Ông Nông Văn Ngay, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mèo Vạc

Đến nay, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, công tác tái định canh, định cư gắn liền với tổ chức sản xuất bền vững cơ bản được giải quyết. Phong trào sản xuất giỏi ngày càng nhân rộng, công tác triển khai các chính sách hỗ trợ được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, xuất phát từ nhu cầu của người dân; công tác phối hợp, lồng ghép các nguồn lực trên một địa bàn được thực hiện đồng bộ. Nhờ đó, đời sống người dân từng bước được cải thiện và nâng lên. Cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 11 triệu đồng so với năm 2022), hộ nghèo toàn huyện còn 51,29%; trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS còn 51,29% theo chuẩn nghèo đa chiều (giảm 6,3% so với cuối năm 2022).

Tại xã Sủng Trà, một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của huyện, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, với nhiều công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Tiêu biểu như công trình lớp học và nhà ở cho các em học sinh tại Trường PTDTBT THCS xã Sủng Trà.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, nhà trường đã được đầu tư xây dựng 6 phòng học bộ môn và 8 phòng ở cho học sinh bán trú cùng nhiều thiết bị giảng dạy, dụng cụ phục vụ sinh hoạt của học sinh. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng giúp cho thầy và trò nhà trường có điều kiện dạy và học tốt hơn, đặc biệt đối với các em học sinh DTTS có được chỗ ở bán trú khang trang.

Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ sở hạ tầng của thị trấn Mèo Vạc ngày càng khang trang, hiện đại
Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ sở hạ tầng của thị trấn Mèo Vạc ngày càng khang trang, hiện đại

Ghi nhận tại xã Cán Chu Phìn, một trong những địa phương điển hình thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của huyện Mèo Vạc. Cuối năm 2022, 19/129 hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, hỗ trợ cây, con giống để phát triển kinh tế. Sự hỗ trợ này đã đem lại những kết quả tích cực, đó là trong năm 2023, đã có 6 hộ trong số 19 hộ được hỗ trợ đã vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh Vừ Sìa Sính, tại thôn Ha Ía là một trong những hộ cận nghèo đã được hỗ trợ để thực hiện mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm, với mức hỗ trợ 15 triệu đồng từ cuối năm 2022. Đến nay, đàn lợn của gia đình anh Sính đã xuất chuồng 4 lứa và thu về gần 60 triệu đồng.

“Nhờ được hỗ trợ tiền mua con giống, được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, tôi tập trung chăm sóc tốt đàn lợn, cũng từ chăn nuôi giúp gia đình tôi có tiền mua sắm đồ dùng sinh hoạt gia đình, mua đồ dùng học tập, quần áo mới cho các con đi học”, anh Vừ Sìa Sính thông tin.

Có thể thấy, qua công tác tham mưu của Phòng Dân tộc về thực hiện kịp thời, đầy đủ các chương trình, dự án và các chính sách đầu tư hỗ trợ của Nhà nước trên địa bàn; cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc nên kinh tế - xã hội vùng DTTS của huyện đã có nhiều chuyển biến; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng lên. Đây là động lực để huyện Mèo Vạc vững tin phát triển toàn diện hơn trong giai đoạn mới.

Tin cùng chuyên mục
Về sóc Bom Bo vui cùng tiếng chày ngày hội...

Về sóc Bom Bo vui cùng tiếng chày ngày hội...

Địa danh sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước - hậu phương vững chắc của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Năm xưa, đồng bào Xtiêng nơi đây ngày đêm giã gạo nuôi quân, sẵn sàng ăn củ rừng để nhường gạo, ăn tro để nhường muối cho bộ đội. Cảm xúc từ tấm lòng yêu nước đó, cố nhạc sĩ tài hoa Xuân Hồng đã viết lên ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” và đã đi vào lòng người của bao thế hệ người Việt.