Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Phong trào hiến đất làm đường ở Phan Thanh, Tân Lập

Trọng Bảo - Đức Mậu - 16:54, 24/02/2022

Phan Thanh và Tân Lập là hai xã ĐBKK của huyện Lục Yên (Yên Bái). Từ khi hồ thủy điện Thác Bà tích nước, hai xã Tân Lập, Phan Thanh trở thành “ốc đảo”bởi hạ tầng giao thông còn rất nhiều hạn chế khiến cho việc đi lại, giao thương hàng hóa gặp khó khăn. Với mong muốn có những tuyến đường liên thôn, liên xã sớm được kiên cố hóa; người dân trên địa bàn hai xã đã rất tích cực hiến đất mở đường giao thông.

Phong trào hiến đất làm đường giao thông đã và đang lan tỏa rộng khắp ở Phan Thanh và Tân Lập
Phong trào hiến đất làm đường giao thông đã và đang lan tỏa rộng khắp ở Phan Thanh và Tân Lập

Trước đây, xã Tân Lập nằm bên bờ sông Chảy, từng là thủ phủ của huyện Lục Yên, vẫn được gọi là Lục Yên Châu, một vùng đất trù phú kết nối giữa chợ Ngọc, chợ Ngà của huyện Yên Bình. Năm 1971, khi hồ thủy điện Thác Bà tích nước, hai xã Tân Lập, Phan Thanh biến thành “ốc đảo”, bị vây bọc bởi một bên là núi cao một bên là hồ nước mênh mông. Từ những năm 1974, tuyến đường nối ba xã Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh được xây dựng, trải qua hàng chục năm, con đường ấy đã xuống cấp, lầy lội khiến cho người dân càng gặp nhiều khó khăn trong đi lại, giao thương và phát triển kinh tế.

Ông Vi Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Phan Thanh cho biết: Phan Thanh có 4 dân tộc sinh sống là Nùng, Tày, Dao và Kinh. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của xã (tiêu chí mới) còn 36%. Người dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào trồng trọt, chăn nuôi là chính. Một bộ phận nhỏ sinh sống ven hồ thủy điện bằng nuôi trồng thủy sản, với diện tích khoảng 17 ha. Tuy nhiên, do giao thông từ trung tâm huyện đến xã, cũng như hệ thống giao thông liên thôn còn hạn chế, nên việc giao thương, trao đổi hàng hóa của bà con rất khó khăn.

“Xã Phan Thanh có diện tích đất khoảng 3.630 ha, trong đó, đất ruộng và hoa màu khoảng gần 200 còn lại là đồi, rừng và hồ nước. Nhân dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm lại gặp khó do giao thông xuống cấp, nên tính ra thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của bà con còn thấp”, ông Phú thông tin thêm.

Từ trung tâm huyện Lục Yên tới xã Tân Lập chỉ khoảng 20km và đến Phan Thanh là 30km. Tuy nhiên, do đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng, nên thời gian đi đến các xã này cũng mất vài giờ đồng hồ.

“Thôn có 168 hộ thì có tới 46 hộ nghèo. Tuy vậy, bà con rất tích cực hiến đất làm đường, không một chút đắn đo, suy nghĩ về việc đền bù, hay bồi thường. Bởi ai cũng hiểu chỉ có giao thông đi lại thuận lợi thì mới thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo được. Đến nay, bà con trong thôn đã hiến 1,7 ha đất để làm đường giao thông. Chỉ mong Nhà nước sớm đầu tư cứng hóa tuyến đường để cuộc sống bà con ở đây bớt khó khăn”, ông Nguyễn Văn Chiến, trưởng thôn Cát, xã Tân Lập cho biết.

Những ngôi nhà mới khang trang của người dân đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Phan Thanh và Tân Lập, cho thấy sự đổi thay ở nơi đây
Những ngôi nhà mới khang trang của người dân đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Phan Thanh và Tân Lập, cho thấy sự đổi thay ở nơi đây

Khi mà nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn có hạn, thì người dân nơi đây đã tích cực hiến đất làm đường, mở rộng đường để dễ dàng giao thương, buôn bán. Có thể nói, việc hiến đất làm đường giao thông ở hai xã Phan Thanh và Tân Lập đã trở thành phong trào được cán bộ, đảng viên và Nhân dân nơi đây nhiệt tình hưởng ứng.

“Trên địa bàn xã thời gian qua, bà con cũng đã tình nguyện hiến trên 2.000 mét vuông đất để làm tuyến đường từ địa phận giáp xã Tân Lập đến bến Thủy Văn”, ông Vi Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Phan Thanh cho biết thêm.

Trong kết cấu hạ tầng nói chung, thì hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Với hai xã Phan Thanh và Tân Lập, thì giao thông sẽ góp phần phá thế “cô lập”, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để bà con giao thương, phát triển kinh tế. Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh gắn với phát triển du lịch huyện Lục Yên đang được khẩn trương thi công với tổng mức đầu tư 79 tỷ đồng. Công trình được xây dựng với quy mô đường cấp IV miền núi tổng chiều dài gần 18km, bề rộng nền đường 7,5m, kết cấu mặt đường đá dăm láng nhựa. Công trình dự kiến hoàn thành trước ngày 31/7/2023. Chắc chắn khi tuyến đường hoàn thành sẽ là “cú huých” quan trọng để Tân Lập và Phan Thanh bứt phá.

Tin cùng chuyên mục
Giữ nghề đan lát truyền thống của đồng bào Tày ở Ba Chẽ

Giữ nghề đan lát truyền thống của đồng bào Tày ở Ba Chẽ

Từ bao đời nay, việc đan lát từ cây tre, cây cọ tạo ra những vật dụng để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, lao động hằng ngày đã trở thành nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh). Những chiếc quạt cọ, nón mê, đôi lồng... được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của bà con người Tày nơi đây.