Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Phong trào phụ nữ ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước

Minh Thu - 09:47, 19/10/2021

Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã nhấn mạnh ý kiến trên, khi nói về vai trò hoạt động của phụ nữ hiện nay trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, nhân Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2021)...

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Bà nhìn nhận thế nào về vai trò, vị thế của người phụ nữ trong đời sống xã hội hiện nay, nhất là phụ nữ DTTS?

Bà Hà Thị Nga: Trong những năm gần đây, các nội dung liên quan đến phát huy vai trò của phụ nữ đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành Trung ương đặc biệt quan tâm. Được thể hiện bằng các chương trình, đề án quan tâm, chăm lo cho đội ngũ lao động nữ. Chúng tôi nhận thấy, các cấp chính quyền đã dành sự quan tâm cụ thể, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia các thị trường lao động, trong đó quan tâm nâng cao kỹ năng, năng lực cho lao động nữ thông qua các chương trình đạo tạo, dạy nghề. Hiện nay, lực lượng nữ DTTS tham gia rất mạnh mẽ vào các thị trường lao động, nhất là những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng, tay nghề cao.

Cùng đó, các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” cùng hai cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của Hội LHPN Việt Nam, đã hòa cùng các phong trào thi đua của đất nước, thể hiện bản sắc riêng của tổ chức Hội, thực sự là đòn bẩy thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội; góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Chúng tôi vui mừng vì, công tác phụ nữ đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo cụ thể từ Trung ương, đặc biệt Chính phủ dành sự quan tâm lớn đến Hội LHPN Việt Nam, với nhiều đề án, trong đó có Đề án về phụ nữ khởi nghiệp. Với Đề án này, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa cho phụ nữ, trong đó có phụ nữ DTTS. Chị em được hỗ trợ kỹ thuật, được tham gia các khóa tập huấn phát triển kinh tế, tập huấn kỹ năng tổ chức bán hàng online, tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử. Nhiều phụ nữ DTTS tham gia và đã giành được nhiều giải thưởng về khởi nghiệp.

Vùng đồng bào DTTS hiện còn nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, còn tồn tại nhiều hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Các cấp Hội LHPN đã có những giải pháp gì để góp phần đẩy lùi tình trạng này, thưa Bà?

Bà Hà Thị Nga: Đối với các hủ tục trong vùng đồng bào DTTS, thời gian qua, các cấp hội đã có nhiều đề án tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của phụ nữ đối với các vấn đề xã hội; đồng thời đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội; nhất là phụ nữ DTTS. Từ đó, phụ nữ tích cực vận động xã hội chung tay, tham gia cải tạo các hủ tục, đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. 

Vai trò, vị thế của phụ nữ DTTS ngày càng được nâng cao. (Ảnh minh họa)
Vai trò, vị thế của phụ nữ DTTS ngày càng được nâng cao. (Ảnh minh họa)

Trong xã hội ngày càng có nhiều nữ doanh nhân thành đạt là người DTTS. Ngoài việc tham gia phát triển kinh tế, họ còn góp phần quảng bá sản phẩm địa phương, giữ gìn, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống...; Trung ương Hội đã những hoạt động gì để hỗ trợ các nữ doanh nhân DTTS, thưa Bà?

Bà Hà Thị Nga: Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong Top 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Từ thực tế cũng cho thấy, phụ nữ DTTS có nhiều tiềm năng. Nếu được đánh thức, họ sẽ phát huy tốt những điều sẵn có, đó là kiến thức về văn hóa DTTS, những hiểu biết, năng lực sáng tạo về các giá trị văn hóa, các sản vật địa phương. Chính những nữ doanh nhân DTTS sẽ là những người bảo tồn, gìn giữ, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa, các sản vật địa phương. 

Với quan điểm đó, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động đồng hành với phụ nữ, trọng tâm là việc thực hiện Đề án Phụ nữ khởi nghiệp. Qua quá trình triển khai Đề án, chúng tôi rất tự hào, cảm động khi có nhiều phụ nữ DTTS tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả. Ví dụ như chị Lý Thị Ninh ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Căng Chải (Yên Bái), là nữ doanh nhân tiêu biểu, đã trao truyền cảm hứng cho phụ nữ DTTS khác để phát huy di sản trở thành tài sản.

Trong thời gian tới, Trung ương Hội LHPN Việt Nam có những kế hoạch gì để phát huy ngày càng tốt hơn kỹ năng, khả năng, vai trò của phụ nữ trong bối cảnh hội nhập, thưa Bà?

Bà Hà Thị Nga: Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Đề án Phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt, với Nghị quyết “Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030” nhằm định hướng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế, tạo điều kiện để các cấp hội đề xuất cơ chế, nguồn lực cho các hoạt động liên quan. 

Đây cũng là cơ sở để Hội LHPN Việt Nam tham mưu với Đảng, Chính phủ, Quốc hội và phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương để phát huy vai trò của phụ nữ và tổ chức hội trong hội nhập quốc tế. Từ đó, tạo động lực để phụ nữ Việt Nam phát huy vai trò, đồng hành với phụ nữ DTTS, tiếp tục có những sáng tạo, cống hiến, cùng cộng đồng, xã hội tiếp tục tham gia tích cực vào quá trình phát triển KT-XH của đất nước nói chung và phát triển KT-XH ở vùng DTTS và miền núi nói riêng.

Xin trân trọng cảm ơn bà!