Bắt chồng
Già làng A Ma Liên ở xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa cho biết: “Người Chăm theo mẫu hệ, nên đằng gái phải có lễ dạm ngõ, lễ cưới chồng hay còn gọi là tục bắt chồng. Tùy theo gia đình, có những cô gái mới 9 - 10 tuổi, cha mẹ đã đi hỏi chồng cho con. Theo luật tục, chàng rể tương lai lấy sợi chỉ đỏ đến cột tay người con gái làm bằng chứng, để khi trưởng thành họ sẽ lấy nhau. Bên nào sau này đổi ý phải đền 1 cái nồi bung bằng đồng hay cái ché túc giá trị bằng 1 con bò đực”.
Lễ dạm hỏi, bên nhà gái đi từ 3 - 5 người. Khi đi phải mang theo 1 con dao dài hơn 30 cm, cán làm bằng sừng nai, một chùm lục lạc cỡ bằng cán rựa, hoặc cổ tay, kêu rủng rẻng. Nếu nhà gái ở buôn làng xa, chờ lúc mặt trời khuất núi mới đi vào buôn, tìm những gia đình không có bà con ruột thịt với nhà trai để ở trọ. Những người đi lễ hỏi tới thăm dò già làng trước, sau đó mới đến các gia đình họ hàng, chú bác nhờ họ thông báo cho gia đình nhà trai biết. Nhà gái chờ đợi kết quả đồng ý hay không đồng ý từ phía dòng họ, cha mẹ và chàng trai. Nếu thuận lòng, nhà trai nhắc một ché rượu và đem ra một chiếc cong bằng đồng, bên nhà gái đi hỏi cũng lấy ra một chiếc cong bằng đồng, móc chung 2 chiếc chỗ tai ché rượu, cùng mời Yàng và các thần linh sông núi, ông bà tổ tiên chứng kiến, rồi hai bên hẹn ngày cưới và trao 2 chiếc cong, con dao, lục lạc cho nhà gái.
Ông Ka Sô Thơ - Phó Chủ tịch UBND xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh cho biết: “Phong tục trong tổ chức đám cưới, trước hết là do nhà trai quy định thời gian, điều kiện vật chất; phía gái thực hiện lễ vật như trâu, bò, rượu, áo, ênh, khố dệt bằng thổ cẩm… Lễ cưới của người Chăm Phú Yên thường tổ chức vào mùa Xuân, mùa của lễ hội”.
Theo luật tục, vợ về dự lễ cưới phía chồng, ra mắt họ hàng nhà trai và bà con buôn làng. Đám cưới mọi người đến dự đông vui, rượu 5 - 7 ché đặt quanh bếp lửa khách, đồng bào làm heo, bò ăn mừng. Trên chiếc ghế kpan, nam thanh niên ngồi tấu cồng chiêng, còn dưới chân nhà sàn, các cô thiếu nữ múa hát nhịp xoang. Gia đình nhà trai cũng nhắc rượu ché, đập con nú nô (gà trống) cúng Yàng, cầu mong cặp vợ chồng suốt đời bên nhau như cua với đá, như cá với nước, như cây với đất, luôn mạnh tay khỏe chân để làm cái rẫy, cất cái nhà, đánh đuổi thú hoang phá hoại hoa màu. Họ ở lại 3 đêm, rồi bắt chồng về ở với mình suốt đời như đã hứa với thần linh.
Nguy cơ mai một
Ông Sô Doanh Châu ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân cho hay: Người Chăm Phú Yên cho phép nam nữ được quyền "bứt cong", nghĩa là ly hôn. Nhưng nếu là ngoại tình mà đơn phương đòi ly hôn thì phải đền của từ 3 - 5 con bò, không có bò thì nạp nồi bảy, nồi bung, ché túc, kiềng bạc… và đập 1 con bò ăn tại chỗ để cho già làng, Người có uy tín, cùng dân buôn đứng ra giải quyết và chứng kiến.
Nếu người nữ đòi ly hôn thì tất cả lễ vật cưới hỏi của bên vợ sẽ trừ hết, đồng thời phải giao nhà trai 1 chiếc ché túc hoặc 1 nồi đồng lớn trị giá bằng 1 con bò đực để thay thế người vợ và chia của cải do vợ chồng làm ra. Nếu phía nam bỏ vợ thì trả hết lễ vật cưới xin, đồng thời phải giao cho nhà gái một số của cải như ché, cong đồng, kiềng bạc… Tất cả của cải hai vợ chồng tạo dựng không được chia mà để lại cho con cái. Người chồng lúc bấy giờ chỉ còn hai bàn tay trắng về ở với mẹ cha. Theo luật tục mẫu hệ, sau khi ly hôn, các con đều theo ở với mẹ, chứ không được theo cha.
Phong tục cưới hỏi của người Chăm với những nghi lễ độc đáo được tiếp nối qua nhiều thế hệ, mang giá trị cộng đồng như một lễ hội tình yêu, hạnh phúc. Nhưng đâu đó các buôn làng có người Chăm sinh sống, họ lo âu, phong tục này nếu không bảo tồn sẽ có nguy cơ bị mai một.