Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Phong tục ma chay của đồng bào dân tộc thiểu số bị làm mồi câu view

Hồng Phúc - 18:30, 10/06/2021

Hàng chục những video trên mạng đưa hình ảnh, thông tin về đám ma của đồng bào dân tộc Mông đạt từ 1 đến 2 triệu view, với những từ ngữ bình luận mà những video này sử dụng như: rùng rợn, kinh hoàng, hết hồn..., một lần nữa khiến cho không ít người bức xúc về nạn câu view "hạ cấp", gây tổn hại đến văn hoá, tập tục truyền thống của đồng bào DTTS.

Bản làng của đồng bào Mông (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An)- Ảnh minh họa
Bản làng của đồng bào Mông (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An)- Ảnh minh họa

Nắng cao nguyên, Hùng núi, Tam giác mạch,… là một loạt kênh Youtube đăng tải Clip với nội dung về đám ma của đồng bào Mông, có những clip đang đạt kỷ lục gần 2 triệu lượt người xem.

Điểm chung của các Video này, là nhan đề gắn với những từ ngữ mang tính chất phán xét, cảm xúc cá nhân hơn là nhìn nhận khách quan về phong tục, văn hoá của người DTTS. Một số nhan đề có thể kể đến như: “Kinh hoàng tập tục đám ma không giống ai của người Mông trên cao nguyên đá Hà Giang”, "Dựng tóc gáy với hủ tục treo xác chết trong nhà của người Mông", "Kinh hoàng đám ma không quan tài của người Mông",…

Người quay phim quay cận cảnh đám ma, thậm chí vào gia đình có người mất để ghi lại những hình ảnh, đồng thời trực tiếp bày tỏ quan điểm của mình trong video, đồng bào trong video đều không được che mặt.

Anh Lê Quang Khải, một người xem video trên chia sẻ: “Mình thấy tiêu đề gây tò mò nên đã nhấn vào xem, quả thực cũng có sợ hãi, nhưng mình nghĩ đó là văn hoá riêng của mỗi dân tộc, người ngoài chưa chắc hiểu hết. Nhưng khi nhìn tên video ấy, rất nhiều người xem dễ hiểu lầm, đó là những hủ tục của đồng bào, trong khi chúng ta không có chuyên môn để thẩm định điều ấy”.

Nhưng không phải khán giả nào cũng có những phân tích, nhận định tỉnh táo như anh Khải. Có thể lý giải được sự hút view của những nội dung trên, bởi thị hiếu của người xem là luôn bị kích thích bởi những điều thần bí, tâm linh mà mình chưa biết. Lợi dụng điều đó, nhiều Youtuber (người làm nội dung Youtube), đã bằng mọi cách khai thác những nét văn hoá, những phong tục truyền thống của người DTTS để kiếm tiền trên không gian mạng. Chính điều đó, dẫn đến nhiều sự hiểu lầm, xuyên tạc, làm tổn hại văn hoá của đồng bào.

Chị Mua Thị Chở, dân tộc Mông (Đồng Văn, Hà Giang) cho biết: “Văn hóa dân tộc Mông đa dạng và phong phú, ở mỗi dòng họ, mỗi vùng miền lại có phong tục ma chay khác nhau. Thực tế thì phong tục này không đáng sợ như trong clip họ nói. Họ không phải là dân tộc Mông, không phải người địa phương trực tiếp chứng kiến nên họ nhìn không chính xác về vấn đề này”.

Các video về đám ma của đồng bào DTTS trên mạng xã hội
Các video về đám ma của đồng bào DTTS trên mạng xã hội
Không chỉ riêng dân tộc Mông, mà các dân tộc khác cũng có những lý giải riêng đối với cái chết, người Thái coi quan tài như con rồng đưa linh hồn sang thế giới bên kia, người Kinh cũng có những cái nhìn riêng về chuyện hỏa táng hay sang cát. Mỗi dân tộc lại có những niềm tin tâm linh riêng, trân trọng gốc rễ, máu mủ thân tình, chính điều đó tạo ra sự đa dạng của văn hoá.

Thế nên, chúng ta không thể cứ dùng tư duy, thế giới quan của mình để nhận xét, quy chụp những nét văn hoá của một cộng đồng dân tộc. Không có văn hoá nào cao, thấp, văn minh hay không văn minh. Đó là sự đa dạng, độc đáo mà chúng ta cần tôn trọng. Không thể đứng từ ngoài nhìn vào và dán nhãn những phán xét chủ quan, mang nặng định kiến, ví như đối với phong tục ma chay của đồng bào DTTS.

Trên thực tế, có thể trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn tồn tại một số hủ tục lạc hậu chưa được bãi bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu việc thay đổi một thực hành là phù hợp trong bối cảnh mới, thì cộng đồng, đồng bào DTTS cũng sẽ tự động thích nghi; thậm chí kể cả khi các nhà quản lý văn hóa muốn bảo tồn thực hành cũ. Bởi văn hoá đó là sở hữu của đồng bào.

Thực tế có thể thấy, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đều công bố tiêu chuẩn cộng đồng của mình, và người dùng phải tuân thủ các quy định nếu không muốn nội dung sản xuất bị báo cáo, gỡ bỏ, bị xóa bỏ các kênh, tài khoản vĩnh viễn.

Hiện nay, có một số bất cập đang tồn tại là, các tiêu chuẩn cộng đồng trong nhiều trường hợp không tương thích với các quy định của luật pháp Việt Nam. Dù các cơ quan chức năng Việt Nam đã làm việc, phối hợp với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới và đạt được nhiều thỏa thuận, nhưng vẫn còn những khoảng trống.

Trên nhiều trang Youtube do người Việt Nam đăng ký, vẫn tồn tại vô số video có đề tài tùy tiện, nội dung, hình ảnh vi phạm thuần phong mỹ tục,…đặc biệt với lĩnh vực văn hoá, như vấn nạn câu view từ phong tục ma chay của đồng bào DTTS nói trên.

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng (Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay những người sáng tạo nội dung nói chung và sáng tạo nội dung về văn hoá của đồng bào DTTS, đa phần thiếu hiểu biết, phông văn hoá còn hạn hẹp. Mỗi cộng đồng dân tộc đều có kho tàng văn hoá, tri thức riêng, đó là sự thích ứng trong môi trường tự nhiên, xã hội nên không thể chỉ bằng vài phút, vài video là có thể hiểu được. 

"Cần phải cẩn trọng khi làm những nội dung về văn hoá, không thể bất chấp kiếm tiền mà khiến người xem có cái nhìn sai lệch, nhầm lẫn về cộng đồng dân tộc ấy. Chúng ta cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng...", Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Tạo “sân chơi ” cho người trẻ (Bài 2)

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Tạo “sân chơi ” cho người trẻ (Bài 2)

Thú chơi đồ cổ không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về những truyền thống tốt đẹp, những tinh hoa mà cha ông để lại. Chính vì vậy, việc tạo ra những sân chơi cho các nhà sưu tầm cổ vật và tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động mua bán cổ vật sẽ giúp những người trẻ trở thành "cánh tay nối dài"của ngành di sản văn hóa nước nhà.