Thầy cúng làm lễ xin thần linh để chuẩn bị thực hiện tục xăm cằmTheo các tài liệu chuyên ngành, dân tộc Mảng còn có các tộc danh khác là: Mảng Ư, Xá Lá Vàng (riêng tên gọi Xá Lá Vàng giống của người La Hủ). Địa bàn cư trú của người Mảng phần lớn ở huyện Mường Tè, huyện Nậm Nhùn và huyện Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu; một số ít ở huyện Tủa Chùa, huyện Nậm Pồ và huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Nguồn sống chính của người Mảng là canh tác nương rẫy, trong đó cây lúa giữ vai trò chủ đạo, dù mỗi năm chỉ làm một vụ và năng suất phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Trên nương, bà con thường trồng xen ngô, sắn, bầu, bí, đặc biệt là cây thuốc lá. Chăn nuôi gia súc như trâu, bò, dê, lợn vẫn phổ biến theo hình thức thả rông, nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một nét thú vị trong ẩm thực là người Mảng rất thích ăn cua suối nướng. Hệ thống đo lường của đồng bào cũng rất độc đáo: đo chiều dài bằng con dao quăng hoặc khăn khô - khăn ướt; đo trọng lượng bằng đơn vị “bỏng đuê”, tương đương 20kg; còn khi đếm số lượng, mỗi đơn vị lại ứng với một hòn sỏi. Trước khi chữ quốc ngữ phổ biến, người Mảng ở nhiều vùng chỉ đếm được đến hàng triệu, gọi là “triều me”.
Dân tộc Mảng sở hữu một kho tàng văn học dân gian khá phong phú, chủ yếu tồn tại dưới hình thức truyền miệng do không có chữ viết riêng. Người cao tuổi trong cộng đồng đặc biệt yêu thích các câu chuyện sử thi, tiêu biểu là tác phẩm “Soỏng Mẳng” - kể về hành trình thiên di đầy gian khổ nhưng vinh quang của tổ tiên trong quá trình chia đất, chia mường. Trong hệ thống truyện cổ dân gian, truyền thuyết về tục xăm cằm của phụ nữ Mảng là nổi bật nhất. Truyện kể rằng, thuở xa xưa, có một đôi vợ chồng trẻ sống hòa thuận, hạnh phúc. Ngày ngày, họ cùng nhau lên nương trồng bông, gieo lúa; xuống suối bắt cá, mò tôm. Vừa lao động, họ vừa ca hát vui đùa, khiến chim muông cũng ngừng bay nhảy để ngắm nhìn đôi vợ chồng tâm đầu ý hợp ấy.

Những năm gần đây, tục xăm cằm không còn được thực hiện tuỳ hứng mà thay vào đó là xăm các hình vẽ như con rồng, chim muông, con bướm, bông hoa... như một cách trang điểm độc đáo của phụ nữ Mảng”.
Già làng Lý A Hương, bản Nậm Sảo 2, xã Trung Chải, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu
Thế nhưng, sau khi sinh con đầu lòng, người vợ bỗng trở nên trái tính trái nết, hay cáu gắt vô cớ, lại lười biếng và tham ăn. Nhiều lần người chồng đi nương về, thấy nhà cửa bừa bộn, bếp núc nguội lạnh, lòng anh không khỏi buồn phiền. Trong số cá tôm bắt được, vợ anh thường chọn con to nhất đem nướng rồi ăn một mình, chẳng thèm mời chồng lấy một lời. Dù đã nhiều lần nhẹ nhàng khuyên nhủ, rồi cả trách mắng, nhưng người vợ vẫn không thay đổi, khiến anh chồng hết sức đau khổ. Một hôm, anh ra suối, ngồi khóc một mình bên “hòn đá tổ” (tiếng Mảng gọi là “xôm bai”). Tiếng lòng của anh vang vọng tới vị thần chuyên gìn giữ hạnh phúc con người - Trừ Giảng. Thương cảm cho nỗi niềm của chàng trai, Trừ Giảng hiện lên và nói: “Ngươi hãy lấy lá xanh cắm ở hiên nhà, rồi dùng kim chỉ khâu bớt miệng vợ lại. Khi ấy, nàng sẽ biết chăm làm và không còn chửi mắng nữa”.
Nghe lời Trừ Giảng, người chồng cắm lá xanh ở hiên nhà như chỉ dẫn. Thế nhưng, việc khâu bớt miệng vợ, anh lại không nỡ làm vì thương vợ đau đớn. Cuối cùng, anh nghĩ ra một cách khác: bảo vợ dùng gai nhọn xăm quanh cằm, rồi tự tay anh lấy lá chàm giã nát, xát vào các vết xăm. Nhựa lá chàm ngấm vào, tạo nên màu xanh đen như vết chỉ khâu. Lạ thay, từ đó, người vợ trở nên chăm chỉ, dịu dàng, yêu thương chồng con như thuở ban đầu. Từ chuyện ấy, người Mảng hình thành tục lệ: con gái đến tuổi cập kê (khoảng 14 - 15 tuổi) đều phải xăm cằm. Hình xăm ấy không chỉ là nét đẹp truyền thống, mà còn nhắc nhở các cô gái về bổn phận làm vợ, làm mẹ trong gia đình.
Già làng Lý A Hương, 83 tuổi, người Mảng ở bản Nậm Sảo 2, xã Trung Chải, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chia sẻ rằng, những năm gần đây, tục xăm cằm không còn được thực hiện tuỳ hứng mà thay vào đó là xăm các hình vẽ như con rồng, chim muông, con bướm, bông hoa... như một cách trang điểm độc đáo của phụ nữ Mảng. Các thầy cúng và ông mo còn dạy rằng nếu cô gái nào không xăm cằm, linh hồn sẽ không được siêu thoát, không thể trở lại dòng họ mà sẽ trở thành ma đói lang thang mãi.
Mới đây, tại xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã phối hợp với UBND huyện phục dựng tục xăm cằm trong một buổi lễ lớn, do ông Trần Văn Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu chủ trì.
Bản làng người Mảng ở huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai ChâuBà Đỗ Thị Tấc, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lai Châu, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian các DTTS Tây Bắc cho biết: Theo truyền thống, người Mảng thường xăm cằm vào ngày mùi (ngày con dê) và kiêng xăm vào những ngày trùng với ngày sinh hoặc ngày mất của người thân trong gia đình. Tuy nhiên, ngày nay, tục xăm cằm đang dần bị bỏ qua ở một số vùng. Dù vậy, đối với những người đã qua đời trước khi khâm liệm, ông mo sẽ dùng mực tàu hoặc mực bút bi vẽ xung quanh cằm, giả như đã xăm để linh hồn được “nhập” vào thế giới của người âm.
Ngày xưa, trong tín ngưỡng huyền bí, người con gái dân tộc Mảng mang một niềm tin mãnh liệt rằng hình xăm biểu trưng cho sự chăm chỉ, duyên dáng và hạnh phúc trong thiên chức làm vợ, làm mẹ. Chính vì vậy, trong quá trình xăm cằm, dù đau đớn tột cùng với những chiếc kim hoặc gai nhọn cắm sâu quanh miệng, máu tuôn ra đỏ ối, các cô gái vẫn cắn răng chịu đựng, coi đó là một phần quan trọng của cuộc đời.
Tục xăm cằm không chỉ là một phong tục truyền thống mà còn là sự thể hiện sâu sắc đức tin tâm linh của người Mảng. Mặc dù ngày nay, tục lệ này đang dần bị mai một, nhưng những câu chuyện huyền bí và ý nghĩa đằng sau tục xăm cằm vẫn là một phần không thể thiếu trong bản sắc dân tộc Mảng. Việc bảo tồn và phát huy những phong tục truyền thống tốt đẹp giúp cộng đồng người Mảng giữ vững truyền thống và kết nối quá khứ với hiện tại.