Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Phú Lương (Thái Nguyên) nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo nhờ đa dạng hóa sinh kế

Thảo Khánh - 4 giờ trước

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực. Đặc biệt, việc tập trung nguồn lực hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, để giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn chủ động vươn lên thoát nghèo, qua đó đã góp phần giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa các khu vực, địa phương và các nhóm dân cư trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Huân, người dân tộc Tày (xóm Khau Lai, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đang chăm sóc cho trâu ăn
Bà Nguyễn Thị Huân, người dân tộc Tày (xóm Khau Lai, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đang chăm sóc trâu được hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo

Xác định công tác giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện Phú Lương đã tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tới tất cả các xã, thị trấn. Đồng thời, yêu cầu các địa phương rà soát đối tượng đủ điều kiện, đăng ký nhu cầu và dự kiến hình thức hỗ trợ dự án.

Với hơn 3 tỷ đồng nguồn ngân sách hỗ trợ Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo năm 2022 - 2023, huyện Phú Lương đã phê duyệt 6 dự án, thực hiện 07 mô hình tại 5 xã (nuôi bò lai Sind tại xã Yên Trạch, Động Đạt; nuôi trâu sinh sản tại xã Phủ Lý, Ôn Lương; Nuôi dê lai sinh sản tại xã Yên Đổ). Trong đó, có 05 dự án thực hiện tại 5 xã theo phương thức cộng đồng; 01 dự án thực hiện tại 02 xã Yên Trạch và Phủ Lý theo phương thức giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện.

Tổng số hộ được hỗ trợ là 111 hộ (81 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo, 11 hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng), gồm: 43 con trâu sinh sản cho 43 hộ, 52 con bò sinh sản cho 52 hộ, 160 con dê sinh sản cho 16 hộ.

Tại xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, những năm qua, nhiều hộ dân xã Ôn Lương đã được thụ hưởng nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có mô hình chăn nuôi trâu sinh sản. Từ đó, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Trong quá trình thực hiện dự án, người dân được tập huấn, hướng dẫn trồng cỏ, làm chuồng trại, kỹ thuật chọn con giống, chăm sóc và phối giống cho trâu... Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y xã thường xuyên tiêm phòng và hướng dẫn cách chống đói cho con giống.

Là một trong những hộ nghèo của xã, bà Nguyễn Thị Huân, người dân tộc Tày, (xóm Khau Lai, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) được hỗ trợ một con trâu sinh sản. Bà Huân phấn khởi, chia sẻ: “Tháng 9 năm 2023, gia đình tôi được cấp 1 con trâu sinh sản, thời điểm nhận trâu về con giống khoẻ mạnh, ăn tốt. Quá trình chăn nuôi, gia đình tôi cũng thường xuyên được cán bộ xã xuống thăm hỏi, kiểm tra con giống; bên cạnh đó, cán bộ thú y xã còn hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh cho vật nuôi, nhờ đó, gia đình tôi đã cố gắng chăm sóc tốt, để con trâu khoẻ mạnh và phát triển bình thường. Gia đình tôi vui lắm, không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, hỗ trợ đồng hành cùng người nghèo, để chúng tôi nỗ lực vượt khó vươn lên". 

Ông Đàm Xuân Lênh (xóm Thâm Trung, xã Ôn Lương) là một trong những hộ nghèo vừa được nhận hỗ trợ trâu sinh sản từ nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Ông Đàm Xuân Lênh (xóm Thâm Trung, xã Ôn Lương) là một trong những hộ nghèo vừa được nhận hỗ trợ trâu sinh sản từ nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững

Tương tự như gia đình bà Huân, gia đình ông Đàm Xuân Lênh (xóm Thâm Trung, xã Ôn Lương) cũng là một trong những hộ nghèo được nhận hỗ trợ 1 con trâu sinh sản từ nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Ông Đàm Xuân Lênh, bộc bạch: "Cuối năm 2023, gia đình tôi được nhận 1 con trâu sinh sản, trị giá khoảng hơn 20 triệu đồng. Sau khi nhận trâu về, tôi chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của cán bộ thú y, để trâu có thể phát triển, sinh sản tốt. Do được chăm sóc đúng kỹ thuật, trâu lớn nhanh trông thấy. Cứ đà này, không lâu nữa trâu sinh sản sẽ tăng thêm thu nhập cho gia đình".

Không chỉ cung cấp con giống, huyện Phú Lương cũng đã tổ chức 12 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 346 lượt hộ thành viên tham gia dự án về kỹ thuật chăm sóc, phòng và trị bệnh cho đàn vật nuôi; 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 56 lượt hộ gia đình; tổ chức 6 cuộc thăm quan học tập kinh nghiệm cho 140 hộ và 12 cán bộ quản lý dự án cấp xã.

Bên cạnh đó, các hộ còn được cán bộ thường xuyên thăm hộ, tư vấn chăm sóc và điều trị bệnh cho vật nuôi, tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách ưu đãi dành cho các đối tượng. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo đã cải tiến phương thức chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, khẳng định: Dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã có những tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thông qua việc triển khai hiệu quả các giải pháp, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Phú Lương đã đạt được kết quả tích cực, các mục tiêu đề ra đã được tổ chức thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Tỉ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm từ 5,39% cuối năm 2021 xuống còn 2,68% cuối năm 2023, bình quân mỗi năm giảm được 1,36% hộ nghèo. Thời gian tới, huyện tiếp tục phấn đấu nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2% vào cuối năm 2025, góp phần vào hoàn thành mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Bảo Yên (Lào Cai): “Kích thích” đầu tư phát triển liên kết chuỗi trong sản xuất nông - lâm nghiệp

Bảo Yên (Lào Cai): “Kích thích” đầu tư phát triển liên kết chuỗi trong sản xuất nông - lâm nghiệp

Huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là một trong những địa phương trọng điểm phát triển nông-lâm nghiệp của tỉnh. Để phát huy những tiềm năng, lợi thế các nguồn lực, huyện đã có nhiều giải pháp "kích thích" để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Qua đó, từng bước tạo ra các chuỗi sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, tạo thu nhập ổn định cho nông dân.