Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

“Chìa khóa” giảm nghèo bền vững ở Yên Sơn

Huyền Hương - 6 giờ trước

Những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đặc việt là lao động người DTTS, người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng, tay nghề để có việc làm, tự tạo việc làm, sinh kế ổn định ở huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) là “chìa khóa” giảm nghèo, thoát nghèo bền vững.

Gia đình Vũ Văn Tuyến (thôn Soi Đát, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn) thu nhập trên 600 triệu đồng mỗi năm từ trồng bưởi
Gia đình ông Vũ Văn Tuyến (thôn Soi Đát, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn) thu nhập trên 600 triệu đồng mỗi năm từ trồng bưởi

Tăng cường đào tạo nghề, tạo việc làm

Đào tạo nghề cho hội viên nông dân vùng nông thôn, đặc biệt là đồng bào DTTS, được các cấp Hội Nông dân trong huyện chú trọng coi là nhiệm vụ quan trọng. Thực hiện nhiệm vụ này, Trung tâm Hỗ trợ nông dân đã phối hợp cùng Hội nông dân các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên, từ đó hỗ trợ dạy nghề và giới thiệu việc làm, giúp họ cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.

Với hơn 4 ha vườn cây ăn quả, gồm: Bưởi đường Soi Hà, bưởi diễn, bưởi lá nhăn, Phúc Trạch, Da xanh, Cát Quế, mỗi năm gia đình Vũ Văn Tuyến (thôn Soi Đát, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn) thu nhập trên 600 triệu đồng/năm. Ông Tuyến chia sẻ rằng, trước đây, vì thiếu kinh nghiệm sản xuất nên cây trồng của gia đình thường gặp sâu bệnh, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Thông qua Hội nông dân xã, ông được tham gia các lớp đào tạo nghề chăm sóc cây theo tiêu chuẩn VietGAP, cùng các khóa chuyển giao kỹ thuật, nhờ đó mà mô hình kinh tế của gia đình phát triển ổn định.

Trước đây gia đình bà Lê Thị Trang (thôn Tân Biên 2, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn) là một trong những hộ nghèo của thôn do thiếu vốn, thiếu đất canh tác. Thông qua hội nghị tư vấn xuấn xuất khẩu lao động được tổ chức tại xã, gia đình bà đã mạnh dạn vay vốn, để đầu tư cho con trai và con dâu mình đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Bà chia sẻ, có công việc ổn định, các cháu gửi về cho gia đình trung bình khoảng 600 triệu đồng mỗi năm. Và sau 8 năm đi xuất khẩu lao động, gia đình bà đã xây dựng được ngôi nhà ba tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi. Bà còn mua được 3 ha đất trồng rừng và đầu tư nuôi trên 100 đàn ong để phát triển kinh tế.

Gia đình ông Vũ Văn Tuyến hay gia đình bà Lê Thị Trang chỉ là một trong hàng nghìn nông dân, lao động được đào tạo, hướng dẫn nghề nghiệp, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Hằng năm, huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách lao động có nhu cầu học nghề; ký hợp đồng đào tạo nghề cho lao động với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, như: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ tỉnh Tuyên Quang, Trường Trung cấp Hội Nông dân Việt Nam - Chi nhánh Tuyên Quang tổ chức dạy nghề gắn với tạo việc làm, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. 

Trong 5 năm, từ 2021 đến nay, huyện Yên Sơn đã mở 55 lớp đào tạo nghề với 1.912 học viên. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở trên 30 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và mỗi năm cho các xã thị trấn. Những nỗ lực này không chỉ giúp các hộ nghèo tiếp thu kiến thức mới, mà còn góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình họ.

Trong năm 2024, huyện Yên Sơn đã tổ chức 06 phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn
Trong năm 2024, huyện Yên Sơn đã tổ chức 06 phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn

Góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững

Nhận thức giáo dục nghề nghiệp là yếu tố then chốt trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các nghị quyết và đề án của huyện Yên Sơn luôn lấy "Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm" làm giải pháp đột phá. Thời gian qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã tích cực tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thực hiện nhanh chóng và quyết liệt.

Chia sẻ về công tác giảm nghèo đa chiều, bền vững của địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, Lê Quang Toàn, cho biết: Từ đầu năm đến nay, huyện Yên Sơn đã giải quyết việc làm cho trên 4.310/4.370 lao động, đạt 98,6% kế hoạch. Trong đó, có 2.738 lao động làm việc trong tỉnh; 1.276 lao động đi làm tại các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong nước, 296 lao động làm việc tại thị trường nước ngoài. Tổ chức 06 phiên giao dịch việc làm tại các xã trên địa bàn huyện, mỗi phiên thu hút từ 300 -700 lao động, học sinh, sinh viên và phụ huynh của người lao động đến tham dự tìm kiếm việc làm. Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giúp cho người nghèo, cận nghèo tiếp cận đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước, tự vươn lên thoát nghèo, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội.

Huyện Yên Sơn xác định Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là một chính sách lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước; là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bởi vậy, huyện đều triển khai đồng hộ và thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Phó Chủ tịch huyện Lê Quang Toàn, cho biết thêm.

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn mở lớp dạy nghề mây tre đan giúp nhiều hộ nghèo người DTTS xã Mỹ Bằng có thêm thu nhập
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn mở lớp dạy nghề mây tre đan giúp nhiều hộ nghèo người DTTS xã Mỹ Bằng có thêm thu nhập

Các chính sách hỗ trợ từ trung ương và địa phương được triển khai đồng bộ, tạo điều kiện cho lao động, đặc biệt là con em đồng bào DTTS, tham gia học nghề và nâng cao kỹ năng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, trong đó 55% có bằng cấp, chứng chỉ. Sau đào tạo, hơn 80% người lao động có việc làm, giúp cải thiện thu nhập và ổn định đời sống.

Với 87 thôn xóm đặc biệt khó khăn và khó khăn, Yên Sơn đã chú trọng tuyên truyền thay đổi nhận thức, tư duy của người dân về xóa đói giảm nghèo. Huyện luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục, để khơi dậy tinh thần tự lực, ý chí phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo.

Trong năm 2024, huyện đã đầu tư hơn 23,8 tỷ đồng vào Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, từ đó hỗ trợ phát triển hạ tầng, đa dạng sinh kế và cải thiện sản xuất nông nghiệp cho các xã khó khăn, như: Chương trình hỗ trợ trâu cái sinh sản, hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản, hỗ trợ chăn nuôi dê sinh sản, hỗ trợ chăn nuôi lợn đen bản địa… mang lại nhiều chuyển biến tích cực.

Cùng với đó, các chính sách an sinh xã hội, như: Cấp thẻ BHYT miễn phí, hỗ trợ người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ em… đã được thực hiện đầy đủ, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 15,04% xuống 12,1%. Xã Hùng Lợi, vùng khó khăn nhất, cũng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 58,4% xuống 47,8%.

Nhằm tạo đột phá đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo trong thời gian tới, UBND huyện Yên sơn giao chỉ tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 2,8%/năm, giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động/năm, cùng với những giải pháp trọng tâm để tạo thu nhập, sinh kế bền vững giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.