Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Phụ nữ DTTS bước vào “sân chơi” khởi nghiệp: Cô giáo "lấn sân" sáng lập HTX dệt Zèng (Bài 2)

Phạm Tiến - 20:15, 19/07/2023

Là giáo viên Trường THPT A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), công việc tương đối ổn định, nhưng cô giáo Hồ Thị Thu Hà, dân tộc Tà Ôi luôn trăn trở, tìm ra cách làm để góp phần vào bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Theo đó, khôi phục nghề dệt Zèng truyền thống của người Tà Ôi, là sự lựa chọn "khởi nghiệp" của cô giáo trẻ Hồ Thị Thu Hà.

Phụ nữ DTTS bước vào “sân chơi” khởi nghiệp, Bài 2: Từ cô giáo đến người sáng lập HTX dệt Zèng
Cô Hồ Thị Thu Hà nói về sản phẩm dệt Zèng của HTX

Nặng lòng với bảo tồn văn hóa truyền thống 

Nghề dệt Zèng truyền thống của đồng bào Tà Ôi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thời hiện đại, nhiều mặt hàng phục vụ cuộc sống hàng ngày đã được sản xuất công nghiệp, trong đó, trang phục cũng không phải là ngoại lệ.

Đó là quy luật, thế nhưng điều này vô hình chung đẩy các làng nghề truyền thống rơi vào cảnh bế tắc, thậm chí là mất nghề. Dệt Zèng cũng cùng chung số phận. Là người con dân tộc Tà Ôi, hơn ai hết cô Hà thấu hiểu, tương lai nếu không hành động, rất có thể nghề dệt Zèng sẽ mai một, thất truyền.

Tốt nghiệp Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Huế năm 2003, cô giáo Hồ Thị Thu Hà trở lại quê hương A Lưới gieo chữ trồng người. Làm việc trong môi trường giáo dục, cô Hà có điều kiện tham gia các hội thảo về sáng tạo khởi nghiệp; bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống; du lịch… Điều này, cũng như chất xúc tác làm cho cái duyên giữa cô giáo và nghề dệt Zèn thêm nặng.

Trăn trở là vậy nhưng để bảo tồn, phát huy nghề dệt Zèng truyền thống của đồng bào, là cả một chặng đường đầy gian nan. Nào là phải tập hợp được những nghệ nhân, những người thợ có tay nghề cao. Rồi tìm được đầu mối để tiêu thụ sản phẩm làm ra, bảo đảm được ngày công và thu nhập cho người lao động. 

Những trăn trở, khó khăn ban đầu đó, nhiều lúc tưởng như đã vùi lấp ấp ủ khát khao khởi nghiệp của cô giáo Hà. Nhưng rồi như cái duyên tiền định với dệt Zèng, những trăn trở đó đã đủ lớn để cô giáo dân tộc Tà Ôi  lên phương án  thành lập Hợp tác xã (HTX) dệt Zèng.

Phụ nữ DTTS bước vào “sân chơi” khởi nghiệp, Bài 2: Từ cô giáo đến người sáng lập HTX dệt Zèng 1
Nhiều nghệ nhân, thợ dệt Zèng lành nghề được chiêu mộ về HTX để làm việc

Cái may mắn với cô Hà, là khi đưa ra kế hoạch thành lập HTX được người thân, chính quyền địa phương đồng thuận. Phần vốn đã được các thành viên trong gia đình thống nhất cùng cô Hà xoay xở “vừa hành quân vừa tập luyện”. Về phía chính quyền địa phương, vận dụng tối đã các chính sách như Đề án Cố đô khởi nghiệp của UBND tỉnh; Nguồn hỗ trợ đặc thù để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS…

Chắp cánh cho nghề dệt Zèng vươn xa

Ngày 15/11/2019, HTX sản xuất và phân phối thổ cẩm A Lưới chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Ban đầu có sự tham gia của 12 thành viên và 15 cộng tác viên đến từ các xã A Ngo, A Đớt, A Roàng (huyện A Lưới).

Cũng như ý tưởng hoài bão ban đầu, muốn sản phẩm dệt Zèng truyền thống không chỉ tiêu thụ tại địa phương, mà còn đến với thời trang hiện đại. Hướng tới mục tiêu vươn ra nhiều địa phương trên cả nước và thế giới nên những khó khăn ban đầu, nhất là vấn đề kinh phí, điểm trưng bày, giới thiệu bán hàng, kết nối tiêu thụ sản phẩm… đã được cô Hà từng bước tháo gỡ.

Phụ nữ DTTS bước vào “sân chơi” khởi nghiệp, Bài 2: Từ cô giáo đến người sáng lập HTX dệt Zèng 2
Thợ dệt Zèng kế cận đã được truyền nghề thành thạo

Về nguồn nhân lực, HTX đã tìm kiếm và tập hợp nhiều nghệ nhân, thợ lành nghề ở A Lưới về làm việc. Đây là đội ngũ trực tiếp sản xuất những mã hàng có yêu cầu cao và đào tạo cho những học viên mới. Bên cạnh đó, HTX kết hợp với nhiều học sinh DTTS  trên địa bàn huyện A Lưới ra trường, không có việc làm nhận hàng về nhà làm thành phẩm. Với cách làm sáng tạo, nhân lực phục vụ cho nghề dệt Zèng đã từng bước được giải quyết. Thù lao được HTX trả cho các cộng tác viên là 100.000 đồng/ngày, các thành viên là 200.000 đồng/ngày.

Khâu sản xuất đi vào ổn định, HTX bắt đầu chú trọng vào các việc đầu tư nhà xưởng, cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Đến nay, HTX có đã mở quầy bán hàng tại xã A Ngo với diện tích 30 m2, một cơ sở dệt 100 m2 với 10 công nhân dệt, 1 cơ sở may trang phục với 5 công nhân, cùng với 15 hộ liên kết dệt và sản xuất hàng lưu niệm, trang sức, phụ kiện...

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, cô Hà và HTX đã kết nối và duy trì hàng loạt bạn hàng ở Huế, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để đưa sản phẩm dệt Zèng bay xa. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và thị hiếu của thị trường, HTX sản xuất và phân phối thổ cẩm A Lưới cũng đầu tư vào cải tiến mẫu mã. Trong đó, có nhiều mẫu mã mang tính hiện đại phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

Phụ nữ DTTS bước vào “sân chơi” khởi nghiệp, Bài 2: Từ cô giáo đến người sáng lập HTX dệt Zèng 3
Hiện HTX đã có nhiều bạn hàng ở Tp. Huế, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác trên địa bàn cả nước

Tại địa phương A Lưới, để đồng hành với cô Hà trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt Zèng, nhiều trường học ở A Lưới đã đưa trang phục truyền thống vào trường học. Chủ trương này được thầy cô giáo và các em học sinh hưởng ứng tích cực, vừa tạo nét đẹp văn hóa học đường, vừa góp phần bảo tồn, gìn giữ nghề dệt Zèng truyền thống của đồng bào Tà Ôi”. 

Vui hơn, đầu năm 2020, cô giáo Hồ Thị Thu Hà cùng với đồng nghiệp hướng dẫn học sinh Trường THPT A Lưới thực hiện đề tài “Bảo tồn và phát triển nghề dệt Zèng hướng đến phát triển du lịch về nguồn ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”. Đề tài đã đạt giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo Khoa học và kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2019 - 2020 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

“Hiện tại, HTX đã tạo được 20 mẫu sản phẩm lưu niệm có gắn kết vải zèng và hoa văn cườm: Mũ nam nữ, cài, kẹp tóc, hoa tai, cà vạt, thắt lưng, túi xách nam nữ, khăn quàng cổ, búp bê, huy hiệu, ví điện thoại, dây đồng hồ, tranh thư pháp, áo dài, nơ, dây thun cột tóc, ba lô, vòng tay. Từ đây, sẽ tạo ra hướng phát triển mới của nghề dệt Zèng", cô Hồ Thị Thu Hà phấn khởi thông tin với chúng tôi.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.