Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Phụ nữ DTTS Quảng Ninh “nghĩ mới, làm mới”

Mỹ Dung - 08:42, 20/05/2023

Gần đây, nhiều phụ nữ ở các thôn, bản vùng cao, vùng đồng bào DTTS tại tỉnh Quảng Ninh đã “nghĩ mới, làm mới”, tận dụng lợi thế địa phương để thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững…

Chị Dương Xám Múi lựa chọn chăn nuôi gà bản Đầm Hà để thoát nghèo.
Chị Dương Xám Múi lựa chọn chăn nuôi gà bản Đầm Hà để thoát nghèo

Đến thôn Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) ai cũng nhắc đến chị Dương Xám Múi, người phụ nữ dân tộc Dao là tấm gương tiêu biểu vươn lên thoát nghèo nhờ tích cực phát triển kinh tế gia đình.

Nhớ về những ngày khó khăn, chị Múi cho biết, trước đây cuộc sống của hai vợ chồng chỉ dựa vào vài sào ruộng cấy, đi làm keo thuê, thu nhập bấp bênh, không ổn định và là hộ nghèo của xã. Cuối năm 2018, chị tham gia lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Lâm tổ chức; được tiếp cận các kiến thức chăn nuôi. Đồng thời, chị được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Với kiến thức được trang bị, chị quyết định lựa chọn chăn nuôi gà bản Đầm Hà do Hội LHPN xã giới thiệu.

“Với 100 triệu đồng vay từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đầm Hà, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi 250 con gà bản Đầm Hà theo mô hình chăn thả. Nhờ có kinh nghiệm nuôi trước đó và được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa bệnh của Hội LHPN xã nên việc chăn nuôi rất ổn định, gà phát triển đồng đều”, chị Múi kể.

Ngoài nuôi gà bản Đầm Hà, chị Múi còn tận dụng 5 ha đất đồi rừng của gia đình để trồng quế, keo; đầu tư thêm máy để đến mùa cắt keo thuê cho những chủ rừng lân cận… Nhờ đó, mỗi năm, gia đình chị Dương Xám Múi thu nhập hơn 200 triệu đồng. Sự tần tảo, chịu khó không ngại gian khó phát triển kinh tế với khát vọng làm giàu đã giúp gia đình chị Múi thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Đánh giá cao về nỗ lực, mô hình thoát nghèo của chị Múi, bà Vũ Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Lâm cho biết: “Chị Múi là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng; góp phần động viên khích lệ những nữ hội viên còn khó khăn trong xã động lực vươn lên thoát nghèo”.

Cũng đi lên từ khó khăn, chị Lã Thị Thu, dân tộc Tày, xã Dân Chủ, huyện Hoành Bồ cũ, nay thuộc Tp. Hạ Long đã mạnh dạn phát triển kinh tế, làm giàu từ ổi. Chị Thu cho biết, thời gian đầu, ít vốn, chưa có thị trường, chị đã phải mang từng cân ổi tới các chợ trung tâm xa 40 - 50 km giới thiệu, quảng bá. Khi sản phẩm dần tiêu thụ ổn định, chị bàn với chồng mạnh dạn bỏ bớt diện tích trồng vải, vay vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các kênh của Hội LHPN để tập trung chuyên canh cây ổi.

Du khách tham quan các trang trại ổi ở TP. Hạ Long.
Du khách tham quan các trang trại ổi ở Tp. Hạ Long

Khi thành công, gia đình chị Thu lại chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hộ khác, nên chỉ vài năm sau, các xã Sơn Dương, Tân Dân, Bằng Cả, Thống Nhất... đều trồng ổi, đưa ổi Hoành Bồ trở thành sản phẩm OCOP 3 sao được biết đến rộng rãi.

Nắm bắt thêm tình hình, xu hướng của địa phương, năm 2022, chị Thu xây dựng mô hình tham quan, đón khách du lịch từ trung tâm Tp. Hạ Long về khu vườn của gia đình. Đến đây, du khách sẽ có một ngày trải nghiệm làm nông dân, vừa tham gia tỉa cành hái quả, vừa tận hưởng thiên nhiên, câu cá thư giãn và thưởng thức ẩm thực đặc sắc địa phương. Mô hình không chỉ tận dụng lợi thế từ vườn ổi, mà còn giúp thôn bản vùng cao Hạ Long được biết đến nhiều hơn, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Bằng sự cần cù, chịu khó, sáng tạo, nhiều người phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chủ động phát triển kinh tế, góp sức làm giàu, làm đẹp hơn cho quê hương mình. “Nghĩ mới, làm mới” - những người phụ ấy đã dần đưa thêm nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định đời sống cho bà con vùng DTTS nơi đây.

Tin cùng chuyên mục
Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Tại tọa đàm tham vấn “Ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đến ngành phân bón” mới đây, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã khẳng định, cần chuyển đổi áp thuế GTGT 5% với phân bón để có dư địa giảm giá bán. Điều này phù hợp về góc độ khoa học, lợi ích kinh tế và hài hòa lợi ích các bên.