Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Phụ nữ nhẹ dạ và cú lừa của những kẻ mua bán người liên tỉnh

Thiên An - 15:22, 14/12/2020

Tội phạm mua bán người vẫn luôn tìm các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo phụ nữ, nhất là các cô gái trẻ, nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết để đưa qua biên giới bán làm dâu xứ người. Rơi vào cạm bẫy của đối tượng xấu, nhiều cô gái đã phải sống trong quãng thời gian tủi nhục. Một số may mắn trở về nhưng cũng phải chịu những tổn thương nghiêm trọng về tinh thần và thể xác...

Đối tượng Nguyễn Châu Tuấn tại Cơ quan Công an.
Đối tượng Nguyễn Châu Tuấn tại Cơ quan Công an.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây "Mua bán người" liên tỉnh, xuyên quốc gia với nhiều thủ đoạn rất tinh vi, bắt giữ 3 đối tượng chính, giải cứu thành công 4 phụ nữ chuẩn bị được đưa sang Trung Quốc bán làm dâu xứ người. Vụ việc là lời cảnh báo cho những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin muốn đổi đời bằng con đường lấy chồng ngoại bất hợp pháp. 

Theo cơ quan chức năng, đối tượng Nguyễn Thị Dương (SN 1994, ở Quảng Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), đã từng vượt biên lao động trái phép bên Trung Quốc nên cũng thông thạo đường đi nước bước. Dương ra sức đăng tải thông tin lên mạng xã hội dụ dỗ, lôi kéo những phụ nữ vượt biên sang Trung Quốc. 

Thông qua Dương, Nguyễn Châu Tuấn (SN 1992), trú tại xã Tăng Phức Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, đã kết nối và tìm kiếm những phụ nữ đang sinh sống tại các tỉnh phía Nam để nhập vào đường dây này đưa sang Trung Quốc. Chỉ trong thời gian ngắn, qua mạng xã hội, Nguyễn Thị Dương đã dụ dỗ được 2 nạn nhân ở Thanh Hóa là N.T.C (SN 1993), L.T.C (SN 1997); Nguyễn Châu Tuấn đã lừa được 2 nạn nhân khác ở An Giang, Cà Mau là K.T.T.R và L.T.Q để đưa sang Trung Quốc.

Qua nắm bắt thông tin và bằng các biện pháp nghiệp vụ, xác định trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có một số đối tượng hoạt động mua bán người, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã xác lập Chuyên án để đấu tranh.

Đầu tháng 11/2020, tại địa bàn huyện Thọ Xuân, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an huyện Thọ Xuân, bắt quả tang Nguyễn Thị Dương đang trên đường đưa 4 người phụ nữ khác là N.T.C (SN 1993), L.T.C (SN 1997), đều trú tại tỉnh Thanh Hóa; K.T.T.R (SN 1993), trú tại TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang và L.T.Q (SN 1988), trú tại huyện Tân Phú, tỉnh Cà Mau. Nguyễn Thị Dương khai thuê xe ô tô đón 2 nạn nhân tại Thanh Hóa và chạy thẳng lên Cảng hàng không Thọ Xuân đón 2 nạn nhân ở An Giang, Cà Mau vừa bay từ TP. HCM ra nhập đoàn để đưa lên biên giới Việt - Trung giao cho đối tượng bán sang Trung Quốc.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng này khai nhận ngoài 4 phụ nữ vừa được Công an Thanh Hóa giải cứu, nhóm đối tượng này còn đưa 5 phụ nữ khác sang Trung Quốc.

Sau khi thiết lập được đường dây, dựa vào mạng xã hội, các đối tượng trên ra sức tìm kiếm, dụ dỗ, lừa bịp phụ nữ trẻ Việt Nam đang có nhu cầu cần việc làm để đưa sang Trung Quốc. Con mồi mà các đối tượng này nhắm tới là những phụ nữ không có công ăn việc làm ổn định, gặp trắc trở trong cuộc sống như gia đình đổ vỡ, cuộc sống không hạnh phúc, nợ nần, túng quẫn, cần có việc làm ngay… để giăng bẫy.

Các đối tượng dùng mạng xã hội dụ dỗ các cô gái trẻ, nhẹ dạ, cả tin.
Các đối tượng dùng mạng xã hội dụ dỗ các cô gái trẻ, nhẹ dạ, cả tin.

Thủ đoạn của chúng là, sau khi xác định được con mồi, bọn chúng sẽ tìm cách làm quen, kết thân và tạo niềm tin cho con mồi rằng, sang Trung Quốc làm "dâu" (kết hôn với đàn ông Trung Quốc) trong thời gian theo ngày, hoặc theo tháng, thì sẽ được trả 80-120 triệu đồng Việt Nam.

Trung tá Trần Bình Chung, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: qua công tác đấu tranh cho thấy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Hầu hết các vụ án mua bán người xảy ra, đều có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước. Tội phạm đã lợi dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, kể cả mạng xã hội nước ngoài… để tiếp cận, làm quen với "con mồi" để bán sang Trung Quốc. Những phụ nữ, em gái khi sang đến Trung Quốc sẽ bị ép làm gái mại dâm, làm vợ bất hợp pháp, hoặc lao động cưỡng bức tại cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, bị đánh đập, đối xử bất công…

Để ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, song song với công tác đấu tranh xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân, nhất là ở những địa bàn nông thôn, miền núi... để mỗi người phải tự nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe, không tin vào những lời dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng xấu và mắc vào "bẫy" mua bán người.

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.