Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Phú Thọ: Nâng cao nhận thức về giới và phòng chống tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS

Thanh Phong - Thu Hương - 09:25, 10/12/2024

Tỉnh Phú Thọ đang thực hiện nhiều giải pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức về giới, cung cấp thông tin cho đồng bào DTTS về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và kiến thức pháp luật hôn nhân và gia đình.

Chương trình tọa đàm, giao lưu văn nghệ tuyên truyền về luật hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Phòng Dân tộc tổ chức tại xã Kim Thượng thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.
Chương trình tọa đàm, giao lưu văn nghệ tuyên truyền về luật hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống do Phòng Dân tộc tổ chức tại xã Kim Thượng thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.

Tỉnh Phú Thọ có 50 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 17,15%, đông nhất là dân tộc Mường 14,92%. Theo số liệu điều tra tại thời điểm năm 2019, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, hôn nhân cận huyết thống là 0,13%. Từ năm 2021 đến 2023, toàn tỉnh có 16 cặp tảo hôn, tập trung ở hai huyện Thanh Sơn và Tân Sơn; trong đó, huyện Tân Sơn có 9 cặp, huyện Thanh Sơn 7 cặp. Các huyện Đoan Hùng, Thanh Thủy, Yên Lập từ năm 2021 không còn tình trạng tảo hôn.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, một trong những giải pháp lựa chọn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thì hình thức giao lưu văn hóa, sân khấu hóa có hiệu quả cao, được nhiều địa phương lựa chọn.

Tối 9/12 vừa qua, tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, phòng Dân tộc huyện phối hợp với Huyện đoàn tổ chức chương trình tọa đàm, giao lưu văn nghệ tuyên truyền về luật hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho Nhân dân cụm xã: Kim Thượng, Xuân Đài, Xuân Sơn. Đây là một trong những nội dung thuộc Tiểu Dự án 2 của Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719 về Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.

Tại buổi tọa đàm, giao lưu văn nghệ, người dân đã được xem các tiểu phẩm cùng những thước phim, câu chuyện trực quan, sinh động về hậu quả của việc tảo hôn, những hệ lụy của hôn nhân cận huyết đồng thời được nghe phổ biến các nội dung về quy định độ tuổi kết hôn đối với nam và nữ theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, những quy định của pháp luật liên quan đến hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Các thiếu nữ trong độ tuổi vị thành niên ở bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn tham gia buổi tọa đàm, giao lưu văn nghệ tuyên truyền về Luật hôn nhân gia đình và phòng ngừa giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Các thiếu nữ trong độ tuổi vị thành niên ở bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn tham gia buổi tọa đàm, giao lưu văn nghệ tuyên truyền về Luật hôn nhân gia đình và phòng ngừa giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Thông qua các buổi tuyên truyền giúp Nhân dân nhất là đồng bào DTTS hiểu rõ thêm việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam; gây hậu quả đối với xã hội, làm suy giảm chất lượng dân số, suy thoái giống nòi, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Bên cạnh đó, việc lồng ghép tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các tiết học giáo dục giới tính, kỹ năng sống trong trường học. Một trong những hình thức tuyên truyền nổi bật là các tiểu phẩm kịch ngắn, hoạt động văn nghệ có nội dung về chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Điển hình là buổi tuyên truyền tại Trường THCS Thắng Sơn, xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn, nơi các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 được xem những tiểu phẩm sinh động, gần gũi với cuộc sống với chủ đề chống nạn tảo hôn.

Em Đinh Thanh Trúc, học sinh lớp 9A, Trường THCS Thắng Sơn, chia sẻ: Được xem tiểu phẩm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, em nhận ra rằng mình còn nhỏ tuổi, cần tập trung học tập và phát triển bản thân. Những buổi tuyên truyền như thế này thực sự ý nghĩa và bổ ích cho học sinh chúng em.

Ngoài ra, Tỉnh đoàn Phú Thọ cũng lồng ghép các nội dung tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào các buổi sinh hoạt ở các Chi đoàn. Đồng thời tổ chức các chương trình tuyên truyền lưu động tại các địa phương, mới đây, Chương trình Tuyên truyền lưu động nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống mới được tổ chức tại các xã Tân Sơn, Kiệt Sơn, Xuân Sơn, Đồng Sơn trên địa bàn huyện Tân Sơn. Đây là hoạt động quan trọng trong chương trình công tác Đoàn năm 2024 và kế hoạch giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

Xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi là nhiệm vụ quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Triển khai Dự án 8 “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021 đến 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Phú Thọ đã tích cực triển khai Chương trình nhằm xóa bỏ định kiến giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em tại các vùng khó khăn. Qua nhiều nỗ lực và sáng tạo trong công tác truyền thông, Dự án đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng.

Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả tuyên truyền của tổ truyền thông cộng đồng (TTTCĐ). Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 152 Tổ truyền thông cộng đồng tại 5 huyện, 47 xã, 222 thôn trong khu vực thực hiện dự án. Mỗi TTTCĐ hoạt động như một "cánh tay nối dài" giúp lan tỏa thông tin và giải pháp đến từng gia đình, thôn bản. Các tổ được trang bị loa di động, tài liệu truyền thông và được hướng dẫn kỹ năng vận hành, quản lý. Nhờ đó, các TTTCĐ trở thành “hạt nhân” trong các hoạt động tuyên truyền cộng đồng, giúp thông tin nhanh chóng đến với người dân địa phương.

Tuyên truyền phòng ngừa giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được thực hiện bằng hình thức sân khấu hóa giúp người dân dễ nghe, dễ hiểu.
Tuyên truyền phòng ngừa giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được thực hiện bằng hình thức sân khấu hóa giúp người dân dễ nghe, dễ hiểu.

Bên cạnh các buổi tuyên truyền trực tiếp, chính quyền các huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống: Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập còn phát huy hiệu quả của truyền thông trên nền tảng số. Các thông tin về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết và các chính sách hỗ trợ được phổ biến qua các nhóm Zalo, Facebook cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS.

Ông Lê Tiến Quân, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ cho biết: Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là sự chung tay của toàn xã hội, nhận thức của người dân về giới, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ngày một nâng cao, tỷ lệ tảo hôn ngày càng giảm. Thời gian tới, triển khai thực hiện Tiểu Dự án 2 của Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719 về Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc sẽ phối hợp thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, phát huy hiệu quả mô hình điểm “triển khai và duy trì mô hình nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết”. Phấn đấu đến năm 2025, ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đọc nhiều