Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Phước Sơn (Quảng Nam) : Nỗ lực giảm thiểu tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS

T.Nhân – H.Trường - 07:24, 02/12/2024

Nhằm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT), trong thời gian qua, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò của những người đứng đầu, vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên và đặc biệt sự phối hợp với nhà trường, đoàn thể cùng chung tay đẩy lùi tệ nạn này. Nhờ đó, tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã chấm dứt, tảo hôn giảm rõ rệt.

Phước Sơn triển khai nhiều mô hình tuyên truyền phòng chống tảo hôn.
Phước Sơn triển khai nhiều mô hình tuyên truyền phòng chống tảo hôn

Nâng cao nhận thức cho người dân

Theo Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn, nhằm đẩy lùi nạn TH&HNCHT, địa phương đã nỗ lực thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, trong đó chủ yếu nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân. Bởi, khi nhận thức của người dân được nâng lên, họ sẽ ý thức được những hệ lụy của vấn nạn này, từ đó thay đổi hành vi, suy nghĩ, thì mới tiến tới chấm dứt được việc này.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, bên cạnh việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, in ấn các tờ rơi, tờ gấp để cấp phát cho người dân, Phòng Dân tộc huyện cũng đến tận nhà, rà từng người để tuyên truyền, vận động. Xác định thanh thiếu niên là nhóm đối tượng chính liên quan đến tảo hôn, Phòng đã phối hợp với các nhà trường, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn để tổ chức các đợt phổ biến pháp luật, các cuộc thi, như: Rung chuông vàng, tổ chức các buổi ngoại khóa chuyên đề… nhằm trang bị kiến thức pháp luật về phòng chống tảo hôn cho các em học sinh.

Theo đó, chỉ riêng trong năm 2024, Phòng đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức 16 hội nghị tập huấn tuyên truyền về TH&HNCHT cho người dân, lực lượng cán bộ thôn, xã và lực lượng Người có uy tín, già làng, trưởng thôn...; xây dựng kế hoạch liên ngành với các đơn vị liên quan, như: Trường học, Trung tâm Y tế, tổ chức 13 hội thi rung chuông vàng cho đối tượng là học sinh trong độ tuổi vị thành niên để tuyên truyên, giáo dục, nâng cao nhận thức trong việc phòng chống nạn TH&HNCHT; cấp phát hàng ngàn tờ gấp, sổ tay tuyên truyền…

Trước đó, trong giai đoạn 2021 – 2023, huyện Phước Sơn đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025 và Đề án giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Phước Sơn. Qua 3 năm triển khai, Phước Sơn đã phát huy tổng lực sức mạnh của cá nhân, tập thể để chung tay đẩy lùi vấn nạn, đã đạt được những kết qủa tích cực.

Ông A Lăng Ngọc – Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn, cho biết: Nhờ triển khai tốt công tác tuyên truyền, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn đã giảm mạnh. Trong đó, đối với Đề án về giảm thiểu tảo hôn, ngoài sự chỉ đạo sâu sắc của các cấp chính quyền, vai trò của già làng, trưởng thôn, Người có uy tín, đội ngũ cộng tác viên cũng được phát huy mạnh mẽ trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động những trường hợp nguy cơ tảo hôn tại địa phương hiểu được những hệ lụy của vấn nạn này mà từ bỏ.

Các ban, ngành liên quan huyện cũng gắn trách nhiệm là thành viên của Ban Chỉ đạo Đề án để lồng ghép với các hoạt động chuyên môn của đơn vị mình để tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn, như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên...

“Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị phần nào đã đánh thức được ý thức tự giác, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình tự giác chấp hành và hạn chế đến mức thấp nhất để xảy ra tình trạng TH&HNCHT trong gia đình của mình. Đồng thời, thông qua công tác tuyên truyền đã giúp cho đồng bào DTTS nói riêng và người dân trên địa bàn nói chung có nhận thức đầy đủ hơn về hậu quả, hệ lụy của vấn nạn này đối với cá nhân, gia đình và xã hội; từ đó có sự thay đổi trong hành vi góp phần giảm thiểu TH&HNCHT ở địa phương”, ông Ngọc cho biết thêm.

Cả hệ thống vào cuộc

Hiện nay, Phòng Dân tộc Phước Sơn đang tiến hành các Hội nghị tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên gồm cán bộ xã, thôn, lực lượng già làng, Người có uy tín…để đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng thời, Phòng cũng tích cực phối hợp với các địa phương trong việc phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là bộ phận thanh thiếu niên ở địa phương. Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các chương trình, cuộc thi về tìm hiểu kiến thức pháp luật, trong đó ưu tiên về Luật Hôn nhân và Gia đình, bình đẳng giới.

Thầy Võ Đức An – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT Phước Sơn, cho biết: Trong thời gian qua, Nhà trường cũng tích cực phối hợp với Phòng Dân tộc huyện, và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các em học sinh phòng, chống tảo hôn. Ngoài ra, Nhà trường cũng thành lập các Câu lạc bộ (CLB) truyền dạy kỹ năng sống và tư vấn tâm lý cho các em vào những buổi ngoại khóa, nhằm trang bị kiến thức về pháp luật cho các em.

“Nhằm hạn chế tối đa tình trạng học sinh tảo hôn, Nhà trường thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục giúp các em nhận biết rõ hệ lụy, hậu quả của việc này. Hiện nay, trường duy trì hai CLB “Nữ sinh hướng đến tương lai” và “Tư vấn tâm lý, kỹ năng sống” vừa giúp các em có nơi vui chơi ngoài giờ học, lại được trang bị nhiều kỹ năng sống, vừa giúp các em có thêm kiến thức trên đường đến tương lai", thầy An chia sẻ thêm.

Còn ông Trần Đình Sách – Người có uy tín ở thị trấn Khâm Đức, cho biết: Với vai trò, trách nhiệm của mình, trong thời gian qua, ông cùng lực lượng Người có uy tín, cán bộ thôn đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phòng chống tảo hôn. “Nhờ được trang bị kiến thức kịp thời cho người dân, đặc biệt là những người trẻ, hiện nay, tình trạng tảo hôn trên địa bàn đã dần chấm dứt. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy, đẩy mạnh lồng ghép tuyên truyền phòng chống tảo hôn trong các buổi họp thôn, họp xóm”, ông Sách cho biết.

Về mục tiêu trong thời gian tới, ông A Lăng Ngọc – Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn, cho biết: Mặc dù tỷ lệ tảo hôn trong thời gian có sự giảm mạnh, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Một trong các nguyên nhân dẫn đến điều này là điều kiện kinh tế-xã hội ở một số xã, thôn, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS còn khó khăn nên ít nhiều ảnh hưởng đến nhận thức và tiếp cận thông tin của họ... 

Ông A Lăng Ngọc – Phó trưởng Phòng Dân tộc Phước Sơn chia sẻ với PV về phòng chống tảo hôn trên địa bàn huyện.
Ông A Lăng Ngọc – Phó trưởng Phòng Dân tộc Phước Sơn chia sẻ với PV về phòng chống tảo hôn trên địa bàn huyện

Tiếp đến là sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, lối sống thử, thiếu kinh nghiệm giới tính; một số em học sinh vì học lực yếu, xa gia đình, tuổi mới lớn có sự quan tâm của bạn khác giới nên dễ dẫn đến việc yêu đương sớm, có một số trường hợp xảy ra mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học, dẫn đến tảo hôn. Sự phối hợp giữa Nhà trường và các bậc phụ huynh đôi khi chưa thường xuyên, phụ huynh còn phó thác việc quản lý, dạy bảo con em cho Nhà trường, nên đôi lúc không kịp động viên, nhắc nhở…

Với mục tiêu đến cuối năm 2025 cơ bản chấm dứt tình trạng tảo hôn, địa phương không ngừng nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS tham gia công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn.

Cùng với đó, Phòng cũng đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và nâng cao trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; tiếp tục đưa mục tiêu, nhiệm vụ về giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT vào Nghị quyết của cấp ủy đảng, chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của chính quyền và các đoàn thể ở địa phương; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

“Trong thời gian tới, Phòng Dân tộc sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi thanh thiếu niên, các em học sinh để hạn chế tối đa xảy ra tình trạng tảo hôn. Đồng thời, đổi mới phương thức, tài liệu tuyên truyền phù hợp hơn với từng đối tượng, từng vùng để có hiệu quả hơn. Phòng cũng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, trường học, đặc biệt là đội ngũ tuyên tuyền viên ở cơ sở tăng cường công tác vận động, phổ biến kiến thức đến với người dân ”, ông Ngọc chia sẻ thêm./.


Tin cùng chuyên mục
Nêu gương sáng ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh: Chuyện về những người “mở đường” (Bài 1)

Nêu gương sáng ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh: Chuyện về những người “mở đường” (Bài 1)

Trong các giai đoạn phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc Quốc phòng-An ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” (Nghị quyết 06). Từ định hướng, chủ trương của Đảng, các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của các tầng lớp Nhân dân, vùng DTTS và miền núi Quảng Ninh đã có sự thay đổi rõ rệt. Trong hành trình vươn lên phát triển ở các bản làng, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng trên các lĩnh vực, trở thành hạt nhân điển hình lan tỏa về tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới tư duy trong vùng đồng bào.
Đọc nhiều