Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Phú Thọ: Nhiều di tích có nguy cơ trở thành phế tích

Phương Bích - 21:12, 16/05/2023

Vùng đất Phú Thọ hiện còn lưu giữ được kho tàng di sản văn hóa vật thể đồ sộ, phong phú, đặc biệt quý giá. Tuy nhiên, trải qua thời gian và những biến thiên lịch sử, nhiều di tích văn hóa có nguy cơ trở thành phế tích. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ, tuy nhiên, nhiều di sản vẫn đang trong tình cảnh… đợi quy trình.

Đình cổ Hùng Lô - Di tích lịch sử cấp quốc gia có niên đại hơn 300 năm, là một trong số ít di tích vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
Đình cổ Hùng Lô - Di tích lịch sử cấp quốc gia có niên đại hơn 300 năm, là một trong số ít di tích vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Di tích thành… phế tích

Đình Hạ thuộc xã Hương Nha cũ (nay là xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông) là nơi thờ vị Nữ tướng Xuân Nương và Thập bộ thần quan - những vị công thần giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc phương Bắc xâm lược. Ngôi đình có niên đại hàng trăm năm tuổi, được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 2001. Hằng năm, khi đất trời vào Xuân, dân làng Bắc Sơn lại nô nức trẩy hội Đình Hạ.

Tuy nhiên, đó chỉ là khung cảnh vui hội của nhiều năm về trước. Nhiều năm nay, ngôi đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, khung cảnh tiêu điều, dột nát, nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Trong ngôi đình hoang phế, ngoài tấm bằng sáng bóng, đóng khung kính trang trọng ghi dòng chữ “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia” thì chẳng còn gì… lành lặn.

Ông Cao Xuân Trường, Cán bộ văn hóa xã than thở: “Đình Hạ nằm trong quần thể Cụm di tích lịch sử văn hóa đình, đền, miếu Hạ, xã Bắc Sơn. Do xây dựng ở vị trí địa hình thấp nên cứ mưa lớn là nước tràn qua sân đình, ngấm vào mặt đất, gây sụt lún hư hại kiến trúc bên trong ngôi đình. Dân làng nhiều lần phải dựng cột chống đỡ, gia cố theo kiểu “hỏng đâu trám đấy” nhưng không thấm vào đâu so với tốc độ xuống cấp của di tích. Đầu năm 2022, do mức độ hư hại của di tích ngày càng nghiêm trọng nên chính quyền và Nhân dân địa phương phải di dời các hiện vật tại Đình Hạ sang khu vực miếu thờ để tránh rủi ro đình sập đổ bất ngờ. Miếu thờ nhỏ hẹp, không có cửa khóa, vậy là kẻ gian đã đột nhập vào lấy cắp mất 2 tấm sắc phong quý giá của ngôi đình...”.

Cùng chung hoàn cảnh với Đình Hạ, tại xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh có ngôi Đình Hương Cốc được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2017. Ngôi đình là nơi lưu giữ hệ thống sắc phong cùng nhiều di vật, cổ vật quý giá. Hiện tại, Đình Hương Cốc còn lưu giữ 9 sắc phong và hệ thống 42 di vật, cổ vật, hiện vật quý giá, có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật từ thời Nguyễn, tiêu biểu như: Ngai thờ; lư hương gốm; đẳng thờ; bảng chúc; mâm đồng; mũ miện, hia, đai lưng thời Nguyễn… Tuy nhiên, nhiều năm trước, do ngôi Đình Hương Cốc bị xuống cấp, dột nát nên không ít cổ vật, hiện vật có giá trị lưu giữ trong đình cũng bị hư hại nặng. Điển hình như lư hương gốm Thổ Hà tại chính điện bị vỡ, hư hỏng một phần; mũ và hia thờ Uy Linh lang thần bị rách, nhiều cổ vật, di vật khác cũng đều bị phủ bụi, rỉ sét…

 Nhiều năm trước, do ngôi Đình Hương Cốc bị xuống cấp, dột nát nên nhiều cổ vật được lưu giữ trong đình cũng bị hư hại nặng. (Trong ảnh: Mũ và hia thờ Uy Linh lang thần tại Đình Hương Cốc (xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh) bị hư hỏng, rách nát...)
Nhiều năm trước, do ngôi Đình Hương Cốc bị xuống cấp, dột nát nên nhiều cổ vật được lưu giữ trong đình cũng bị hư hại nặng. (Trong ảnh: Mũ và hia thờ Uy Linh lang thần tại Đình Hương Cốc (xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh) bị hư hỏng, rách nát...)

Trùng tu còn manh mún

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 967 di tích. Trong đó có 324 di tích được Nhà nước xếp hạng (Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, 73 di tích cấp quốc gia, 250 di tích cấp tỉnh); 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương; 30 di tích liên quan Hát Xoan; 5 bảo vật quốc gia...

Hằng năm, Phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở VHTT&DL) đều rà soát, lập danh sách và đề xuất những di tích đang xuống cấp để tham mưu với UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ, tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp. Cụ thể, năm 2021, Sở VHTT&DL phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ hoạt động tôn tạo các di tích là 1,8 tỷ đồng; năm 2022 là 2,7 tỷ đồng…

"Công tác tu bổ di tích, bảo quản cổ vật phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản và quy trình hướng dẫn của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL). Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, các ban quản lý di tích, chính quyền cùng người dân hầu hết đều chưa hiểu Luật, chưa nắm vững quy trình, nguyên tắc trùng tu, tôn tạo, bảo quản di tích nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn”.

Ông Nguyễn Đắc ThủyGiám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ

Tính trong cả giai đoạn 2011 - 2021, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có gần 200 di tích được xếp hạng, tu bổ, tôn tạo với tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng (chủ yếu từ nguồn kinh phí xã hội hóa). Trong đó, di tích Đền Nhà Bà (xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy) được đầu tư 5,3 tỷ đồng; Di tích Đình An Thái (xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì) được đầu tư 21 tỷ đồng; Đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông) được đầu tư 700 triệu đồng...

Mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực đồng hành cùng địa phương tháo gỡ khó khăn, song công tác tu bổ, tôn tạo di tích văn hóa vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ chia sẻ, công tác tu bổ di tích, bảo quản cổ vật phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản và quy trình hướng dẫn của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL). Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, các ban quản lý di tích, chính quyền cùng người dân hầu hết đều chưa hiểu Luật, chưa nắm vững quy trình, nguyên tắc trùng tu, tôn tạo, bảo quản di tích nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước còn khiêm tốn, nguồn xã hội hóa chưa huy động được nhiều dẫn đến việc trùng tu di tích còn manh mún, chắp vá, hiệu quả chưa cao.

Di sản văn hóa là tài sản vô giá của cộng đồng chỉ có thể được bảo vệ, phát huy giá trị khi chính quyền các cấp, cơ quan chức năng và người dân chung tay góp sức, tích cực vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cộng hưởng cùng ý thức, tình cảm với tài sản cha ông trao truyền. Cùng với các giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hoá, di sản sẽ trở thành tài sản, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương nếu được bảo tồn, phát huy giá trị hiệu quả. Vướng mắc từ các quy định, quy trình đều có thể tháo gỡ, vấn đề quan trọng là quyết tâm, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, địa phương đơn vị.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.