Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Phú Thọ: Sử dụng hiệu quả nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia

PV - 19:15, 15/07/2022

Việc triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia tại tỉnh Phú Thọ đã góp phần phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của người dân, từng bước giảm nghèo bền vững, đặc biệt đã thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn, miền núi, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia góp phần đưa Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc
Thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia góp phần đưa Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc

Giảm đến đâu, chắc đến đó

Nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia, giảm nghèo bền vững là mục tiêu quan trọng của tỉnh Phú Thọ với phương châm: Giảm đến đâu, chắc đến đó, không để xảy ra tình trạng tái nghèo!

Được thành lập năm 2007, Tân Sơn từng có tên trong danh sách 63 huyện nghèo nhất của cả nước, với trên 80% dân số là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60%. Sau 15 năm thành lập huyện, Tân Sơn đã tranh thủ huy động mọi nguồn lực từ các Chương trình 30a (Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững), Chương trình 135 (Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi)… để xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động.

Việc phân bổ nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ sản xuất đều dựa trên các quy định của Nhà nước và nhu cầu thực tế của địa phương. Không chỉ trông chờ nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát huy nội lực của địa phương, trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở nơi có điều kiện; phát triển kinh tế đồi rừng, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu lao động nhằm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Tân Sơn giảm còn 18%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn khoảng 10%; toàn huyện đã có 100% hệ thống đường giao thông liên xã, huyện, tỉnh được trải nhựa, 800km đường được cải tạo, nâng cấp, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa là 77,2%; có 18 cây cầu vượt lũ được xây dựng và đưa vào sử dụng, phần nào giảm được tình trạng chia cắt các vùng vào mùa mưa lũ, thúc đẩy phát triển giao thương hàng hóa.

Cũng là huyện miền núi khó khăn, Yên Lập cũng được thụ hưởng các chính sách, chương trình, dự án gắn với công tác giảm nghèo. Đồng chí Đinh Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đạt 71,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã tập trung đầu tư 247 công trình hạ tầng cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn và xã an toàn khu; đặc biệt nguồn vốn đối ứng từ địa phương đã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, tập huấn nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 21,2% xuống còn 7,5%. Trung bình mỗi năm giảm 3,4%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIII đề ra.

Nhờ thực hiện lồng ghép hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia, năm 2018 huyện Tân Sơn đã ra khỏi danh sách huyện nghèo cả nước, về đích sớm 2 năm so với kế hoạch
Nhờ thực hiện lồng ghép hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia, năm 2018 huyện Tân Sơn đã ra khỏi danh sách huyện nghèo cả nước, về đích sớm 2 năm so với kế hoạch

Đầu tư trọng tâm, trọng điểm!

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đã thông qua thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, gồm phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới. Tại Phú Thọ, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh được thành lập, đã xây dựng lộ trình thực hiện toàn diện về các nội dung của Chương trình, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình ở các sở, ngành và UBND các huyện, thành, thị. Phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên, các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia của tỉnh theo dõi, trực tiếp chỉ đạo cùng với cấp ủy chính quyền địa phương.

Về các nguồn vốn, tỉnh tiếp tục tập trung huy động, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, nguồn thu từ thu tiền sử dụng đất do cấp huyện, xã được hưởng, nguồn thu từ xổ số kiến thiết và từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn, để đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn về giao thông, thủy lợi, viễn thông, cơ sở vật chất giáo dục, y tế, các thiết chế văn hóa, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH, phục vụ đời sống, sinh hoạt của Nhân dân, đồng thời đạt các mục tiêu, tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Điểm nhấn trong thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia của tỉnh là không đầu tư dàn trải, mà có trọng tâm, trọng điểm và dồn lực theo phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”, hỗ trợ đúng với nhu cầu, nguyện vọng của từng địa phương, từng hộ nghèo. Phú Thọ đặt mục tiêu đến năm 2025 có thêm 3 huyện nông thôn mới là Thanh Ba, Phù Ninh và Tam Nông; có 139/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tổng nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới dự kiến khoảng 12.150 tỷ đồng.

Để đôn đốc thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia, ngày 10/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 501/CĐ-TTg 2022 yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, bảo đảm sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp, lãng phí; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Trong quá trình triển khai thực hiện, cần bảo đảm nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, nhất là cấp cơ sở, nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt. Đồng thời, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát các chương trình. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

Ba chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn đoạn 2021- 2025, cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh quán triệt thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án đảm bảo đúng quy định về đầu tư công, đúng đối tượng, mục tiêu và hiệu quả.

Tại Kỳ họp thứ Tư - HĐND tỉnh khóa XIX, diễn ra ngày 13 - 14/7 xem xét, thảo luận và thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước; tỷ lệ đối ứng vốn ngân sách địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Nghị quyết sẽ là căn cứ để lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm nguồn ngân sách nhà nước thuộc các chương trình đồng thời cụ thể hóa các quy định của pháp luật có liên quan và khả năng cân đối vốn của ngân sách địa phương. Đây cũng là cơ sở để các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện cơ chế đầu tư, cơ chế lồng ghép nguồn lực đối với các công trình, dự án đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm hoàn thành mục tiêu các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025.

Thực hiện giảm nghèo bền vững cùng với phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và xây dựng nông thôn mới có sự gắn kết chặt chẽ trong Chương trình mục tiêu Quốc gia của Phú Thọ. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 12,04% năm 2016 xuống còn 4,34% năm 2020 (bình quân 1,6%/năm), với gần 35.000 hộ thoát nghèo (bình quân có 7.000 hộ thoát nghèo/năm), vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Đặc biệt năm 2018, Tân Sơn đã ra khỏi danh sách các huyện nghèo cả nước, sớm 2 năm so với kế hoạch.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.