Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Phú Yên: Di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy giá trị

Thành Nhân - 20:07, 28/02/2021

Phú Yên có hơn 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, như: Kinh, Chăm, Ba Na, Ê Đê, Tày, Nùng...; cùng với vị trí địa lý, danh lam thắng cảnh, bản sắc riêng của mỗi dân tộc, đã tạo ra những giá trị văn hóa đa dạng và độc đáo cho vùng đất này. Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, những năm qua, tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp, mang lại những hiệu quả tích cực, qua đó góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Nghệ thuật múa trống đôi, cồng ba, chiêng năm của người Chăm H’roi Phú Yên được đề nghị công nhận văn hóa phi vật thể quốc gia
Nghệ thuật múa trống đôi, cồng ba, chiêng năm của người Chăm H’roi Phú Yên được đề nghị công nhận văn hóa phi vật thể quốc gia

Nhiều di sản văn hoá độc đáo

Theo Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Phú Yên, hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống, tiêu biểu như: Hội đua ngựa Gò Thì Thùng, Hội đua thuyền truyền thống Đầm Ô Loan, Hội đua thuyền trên sông Đà Rằng, Lễ hội sông nước Đà Nông, Lễ hội Vịnh Xuân Đài, Lễ hội Đồng Cam, Lễ hội Chùa Từ Quang, Hội thơ Nguyên tiêu, Lễ hội Đền Lê Thành Phương, Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh, Lễ hội đâm trâu, Lễ hội cầu ngư... Hầu hết các lễ hội này đều có sức lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Bên cạnh các lễ hội, Phú Yên còn có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và cấp tỉnh được đầu tư, tôn tạo, trở thành điểm đến tham quan du lịch, nơi giáo dục truyền thống như: Tháp Nhạn, Gành Đá Đĩa, Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn...

Ông Huỳnh Từ Nhân, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý văn hóa (Sở VHTT&DL) cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 90 di tích được xếp hạng (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh); 185 di sản văn hoá (DSVH) phi vật thể được kiểm kê; 4 di sản được Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên (2014), Lễ hội Cầu ngư tỉnh Phú Yên (2015), Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của dân tộc Ba Na, huyện Đồng Xuân (2016), Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê Phú Yên (2018).

 Đặc biệt, di sản Nghệ thuật Bài chòi tỉnh Phú Yên, cùng với Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các cô gái Chăm Hroi uyển chuyển trong điệu múa xoan
Các cô gái Chăm Hroi uyển chuyển trong điệu múa xoan

Gắn bảo tồn với phát huy giá trị

Để bảo tồn các DSVH, thời gian qua, Sở VHTT&DL Phú Yên cũng đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án đã được Thủ tướng phê duyệt như, Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020; Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền DSVH truyền thống điển hình của các DTTS Việt Nam, giai đoạn 2017-2020.

Đồng thời, Sở đã phối hợp với các địa phương, tổ chức kiểm kê, sưu tầm, trưng bày, giới thiệu DSVH của các DTTS trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng nhà ở theo kiến trúc truyền thống của dân tộc, nhằm bảo tồn không gian tồn tại của các giá trị văn hóa truyền thống; tổ chức sưu tầm, lưu giữ và trưng bày giới thiệu các DSVH vật thể và phi vật thể; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc gìn giữ trang phục dân tộc mình và thường xuyên sử dụng trang phục truyền thống trong các nghi lễ của gia đình, buôn làng...

Mới đây, UBND tỉnh ban hành Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị DSVH phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2023. Theo đó, mục tiêu chung đến năm 2023, thực hiện tốt công tác bảo vệ, gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị di sản; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, huy động các nguồn lực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; khai thác có hiệu quả di sản Nghệ thuật Bài chòi Phú Yên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thái, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nên các giá trị DSVH được giữ gìn và phát huy; nhiều DSVH vật thể, phi vật thể, di sản tự nhiên còn nguyên giá trị, được các nhà nghiên cứu văn hóa trong nước và quốc tế đánh giá cao. 

Sở VHTT&DL cũng đã đề nghị, các địa phương tiếp tục rà soát, khảo sát, đưa các DSVH của từng địa phương vào danh mục để tiếp tục đánh giá, nghiên cứu, đề xuất đưa vào danh mục DSVH quốc gia sau này, nhằm bảo tồn và phát huy những DSVH đó. Đồng thời, quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch, nhằm góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Chú trọng công tác tuyên truyền, kêu gọi, vận động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, mua sắm trang thiết bị, bảo đảm cho các địa phương có điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa, phát huy tối đa giá trị văn hóa truyền thống của mỗi cộng đồng.