Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Quả bầu khô trong đời sống đồng bào Gia Rai, Ba Na

Ngọc Thu - 17:13, 09/08/2022

Những quả bầu khô đen nhánh với đủ hình dáng khác nhau đã gắn bó với đồng bào Gia Rai và Ba Na tự ngàn xưa cho đến bây giời.

Những quả bầu khô đen nhánh luôn xuất hiện trong từng mái nhà rông, nhà sàn truyền thống của các gia đình đồng bào Gia Rai và Ba Na
Những quả bầu khô đen nhánh luôn xuất hiện trong mỗi gia đình đồng bào Gia Rai và Ba Na

Gắn bó trong sinh hoạt

Đã từ lâu, bầu hồ lô đã được được bà con người Gia Rai ở Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh trồng khắp vườn. Bầu là giống cây rất dễ trồng, chỉ cần xuống giống nơi có đủ độ ẩm sẽ sinh trưởng phát triển tốt, sau 3 tháng sẽ đơm hoa kết trái. Khi thu hái, người Gia Rai sẽ không hái quả bầu đầu tiên trong giàn, mà đem cột lại để đánh dấu, dành làm giống cho mùa sau.

Số quả còn lại, các các bà, các mẹ thường chọn những quả bầu to đẹp, cân đối, đủ độ già, da láng không bị sâu bọ hút chích đem về phơi khô. Đây là cách để trái bầu không bị dễ vỡ, để được lâu hơn. Tiếp đó, bà con sẽ đục lỗ ở phần cuống rồi trút hết hạt ra. Tùy vào mục đích sử dụng mà quả bầu được bà con lựa chọn kích thước, kiểu dáng để chế tác các loại vật dụng khác nhau.

Chị Rơ Châm Hyi, làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh cho biết: “Mình học cách làm quả bầu khô để sử dụng từ thời bà, mẹ mình. Phụ nữ trong làng ai cũng biết làm bầu khô. Một quả bầu khô sẽ được làm sạch ruột, tạo màu cho vỏ bầu khô và đánh bóng. Mình chọn những quả bầu khô có hình dáng và kích thước đẹp, sau đó mang phơi nắng từ một đến hai tuần. Sau phơi nắng, khoét miệng quả bầu rồi mang ngâm xuống nước hoặc bùn, để phần ruột được lóc ra, trong vòng 1 đến 2 tháng.

 Khi kết thúc công đoạn ngâm, bầu được lấy lên súc sạch hoàn toàn phần ruột và khử mùi. Vỏ bầu đã được súc sạch tiếp tục được mang ra phơi một đến hai nắng. Sau đó, bầu khô sẽ được tạo màu vàng bóng bằng cách phơi nắng, màu đen nâu thì được lấy từ lá cây rừng để bôi nhuộm

Những phụ nữ Gia Rai thường gùi những quả bầu khô đi lấy nước về sử dụng hàng ngày
Những phụ nữ Gia Rai thường gùi những quả bầu khô đi lấy nước về sử dụng hàng ngày

Những quả bầu khô trở thành nhiều vật dụng hữu hiệu, phục vụ cho đời sống. Những người phụ nữ Gia Rai đã gùi những quả bầu khô đi lấy nước về sử dụng hàng ngày. Vỏ bầu khô cũng được dùng để đựng rượu tiếp khách quý tới nhà hoặc sử dụng trong các mùa lễ hội của làng. Theo nhiều người già, hình ảnh quả bầu gắn bó thân thương với buôn làng từ xưa đến bây giờ. Đến thăm nhà ai trên kệ bếp đều bắt gặp hình ảnh những quả bầu hồ lô được treo chật giàn. 

Già làng Rơ Châm Heng, làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh kể: Quả bầu có từ lâu lắm rồi, từ lúc mình sinh ra đã thấy nó, mình uống nước đựng trong đó để lớn lên. Những lúc lên rẫy làm mệt, dòng nước mát lạnh trong quả bầu giúp mình giải khát, lấy lại sức khoẻ. Trong những ngày lễ của làng, quả bầu khô còn được đựng rượu để giữ cho hương vị còn nguyên vẹn. Trong mỗi gia đình, quả bầu khô không chỉ là vật dụng tiện lợi trong sinh hoạt, mà còn là vật dụng được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, với nhiều giá trị sử dụng khác nhau.

Nhạc cụ dân tộc độc đáo

Đối với đồng bào Ba Na ở huyện Đak Đoa, quả bầu còn là một sản phẩm sáng tạo, điển hình trong đời sống tinh thần của đồng bào nơi đây. Họ đã thổi vào nó những nốt nhạc đưa nó trở thành một bộ phận không thể thiếu của nhạc cụ đàn goong của người Gia Rai (người Ba Na gọi là đàn ting ning). 

Quả bầu khô còn được gắn vào cuối ống trên thân đàn goong (ting ning) để có độ vang hơn
Quả bầu khô là bộ phận không thể thiếu của đàn goong (ting ning)

Trong các loại nhạc cụ dân tộc được làm từ các chất liệu thiên nhiên, gần gũi với cuộc sống con người Tây Nguyên, các nghệ nhân đã khéo léo chế tác quả bầu khô kết hợp với nhạc cụ khác, để cộng hưởng thành những âm thanh đặc sắc. Nửa to của vỏ quả bầu khô được gắn vào phía dưới cây đàn goong (ting ning) làm hộp cộng hưởng cho cây đàn; hoặc gắn nửa quả bầu khô lên phần trên cùng của cần đàn để âm thanh to hơn. 

Chiếc đàn đặc biệt này, đang hiện hữu từ cuộc sống hàng ngày dưới mái nhà rông, hay trên nương rẫy của đồng bào Gia Rai, Ba Na; và xuất hiện trình diễn tại các sân khấu chuyên nghiệp. Cùng với những chất liệu thiên nhiên quen thuộc tre, nứa,…quả bầu khô đã đóng góp vào kho tàng nhạc cụ dân tộc của Tây Nguyên thêm phong phú và đa dạng, 

Quả bầu khô được đồng bào Ba Na mang đi trình diễn tại các lễ, hội của gia đình, làng và các cuộc thi
Quả bầu khô được đồng bào Ba Na làm đạo cụ để trình diễn tại các lễ, hội của làng và các cuộc thi

Là người thông thạo về chế tác và chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau, anh R’Com Suk (dân tộc Ba Na, thị trấn đak đoa, huyện Đak Đoa) cho hay: Đàn tinh ning được làm từ ống lồ ô. Cuối ống trên thân đàn có gắn nửa quả bầu khô để thu âm thanh. Để có được độ vang hơn, anh thường chọn quả bầu tròn và dày. Nhờ vậy, âm thanh nghe được sáng và âm vang hơn. "Cây đàn này đã theo mình đi khắp nơi từ huyện Kbang cho đến Đak Đoa và cùng mình tham gia trình diễn tại các buổi lễ, hội của đồng bào…", anh R' Com kể

Hiện nay, mặc dù cuộc sống trong các buôn làng ngày nay đã có nhiều đổi thay, song hình ảnh quả bầu, cùng với giá trị văn hóa vốn có của nó vẫn còn vẹn nguyên để nó luôn gần gũi, gắn bó trong đời sống sinh hoạt, tinh thần của người Gia Rai, Ba Na trên mảnh đất cao nguyên nắng gió...


Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.