Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Quan Hóa (Thanh Hóa): Xét tuyển sai quy định 43 học sinh vào trường DTNT

Quỳnh Trâm - 10:38, 03/11/2022

Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) Nguyễn Đức Dũng vừa ban hành kết luận kiểm tra việc xét tuyển sai tiêu chí đối với 43 học sinh vào lớp 6 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở (PTDTNT-THCS) Quan Hóa năm học 2022 - 2023.

Trường PTDTNT-THCS Quan Hóa xét tuyển sai quy định 43 học sinh
Trường PTDTNT-THCS Quan Hóa xét tuyển sai quy định 43 học sinh

Theo kết luận, việc xét tuyển học sinh vừa qua đã xảy ra nhiều sai sót, buộc những cá nhân, tập thể có liên quan phải chịu trách nhiệm và khắc phục hậu quả.

Theo Điều 18 Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT, ngày 15/1/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDT nội trú, học sinh thuộc diện tuyển sinh vào trường PTDTNT là thanh niên, thiếu niên là người DTTS có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành.

Thanh niên, thiếu niên là người DTTS không thuộc đối tượng theo quy định trên, nếu được UBND cấp tỉnh quy định là vùng tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thì cũng thuộc diện tuyển sinh vào trường PTDTNT. Trường PTDTNT được phép tuyển sinh không quá 5% con em người dân tộc Kinh có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong tổng số chỉ tiêu được tuyển mới hằng năm.

Trong kỳ tuyển sinh vừa qua, Trường PTDTNT-THCS Quan Hóa có 141 học sinh đăng ký dự tuyển. Trong đó, 33 em có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và 108 em ở ngoài vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đăng ký dự tuyển. Kết quả có 60 em trúng tuyển.

Tuy nhiên, qua xác minh, kiểm tra chỉ có 17 em được tuyển đúng tiêu chí, còn lại 43 trường hợp tuyển sai tiêu chí theo quy định tại Điều 18, Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn tại Công văn số 845/SGDĐT-KTKĐCLGD ngày 13/4/2022 của Sở GD&ĐT Thanh Hóa. Việc tuyển sinh 43 học sinh sai tiêu chí dẫn đến việc chi trả tiền trang cấp ban đầu và tiền học bổng của nhà trường cho các em học sinh nói trên không đúng quy định là hơn 131 triệu đồng.

Kết luận kiểm tra của Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa
Kết luận kiểm tra của Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa

Kết luận cũng nêu rõ, quá trình tuyển sinh, Trường PTDTNT-THCS Quan Hóa đã tuyển sinh người DTTS ở tất cả các xã, thị trấn loại I, loại II trên toàn huyện sai với quy định; tuyển sinh 5% học sinh dân tộc Kinh ở các xã, thị trấn loại I, loại II không đúng quy định.

Hiện Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa đã yêu cầu Phòng GD&ĐT xây dựng phương án, báo cáo Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo việc xử lý, bố trí cho 43 học sinh được tuyển không đúng quy định học tập tại các trường THCS thuộc xã, thị trấn nơi cư trú. Tham mưu cho UBND huyện Quan Hóa xây dựng kế hoạch tuyển sinh bổ sung đối với các những học sinh lớp 6 cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đủ điều kiện nhưng chưa được tuyển theo đúng quy định.

Trường PTDTNT-THCS Quan Hóa có trách nhiệm phối hợp với Phòng GD&ĐT trong việc tuyển sinh, tiếp nhận, quản lý học sinh vào học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, nộp ngân sách nhà nước số tiền 131 triệu đồng đã chi trả không đúng theo Luật Ngân sách năm 2015.

Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa giao Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện tổ chức kiểm điểm xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.