Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Tuyển sinh vào trường PTDT nội trú, bán trú đứng trước nhiều khó khăn: Vùng tuyển sinh bị thu hẹp (Bài 1)

Thúy Hồng - 10:21, 21/03/2022

Hệ thống trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) nội trú và PTDT bán trú là mô hình điểm để phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đối tượng tuyển sinh của các trường này là ưu tiên cho con em học sinh DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Tuy nhiên, sau khi có Quyết định 861, công tác tuyển sinh của các trường gặp nhiều khó khăn, cần có sự điều chính phù hợp với tình hình mới...

Việc cắt giảm các xã ĐBKK đã tác động tới công tác tuyển sinh của các trường PTDT nội trú, bán trú
Khi các xã ĐBKK giảm đã tác động tới công tác tuyển sinh của các trường PTDT nội trú, bán trú

Từ tháng 6/2021, Quyết định 861 của Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt QĐ 861) có hiệu lực, nhiều thôn, xã ra khỏi diện ĐBKK, vùng tuyển sinh bị thu hẹp, tác động trực tiếp đến công tác tuyển sinh các trường PTDT nội trú, bán trú.

Tác động trên diện rộng

Trường PTDT nội trú là trường dành cho học sinh các DTTS, với mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng DTTS và miền núi. Còn trường PTDT bán trú tiền thân là mô hình trường nội trú dân nuôi, đã hình thành và phát triển từ những năm 60 của thế kỷ trước và được công nhận từ khi Quốc hội ban hành Luật Giáo dục năm 2005.

Trong năm học 2021 - 2022, Trường PTDT Nội trú THCS Phú Lương, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) được giao chỉ tiêu tuyển 90 học sinh. Tuy nhiên, theo QĐ861, huyện chỉ còn duy nhất xã Yên Trạch thuộc khu vực III và chỉ có 26 học sinh trong diện tuyển sinh. Đặc biệt hơn như trường PTDT nội trú THCS huyện Đại Từ, năm học 2021 - 2022, Trường được giao 70 chỉ tiêu, trong khi địa phương này không còn xóm, xã vùng III, vùng ĐBKK.

Được biết, trước khi thực hiện QĐ 861, toàn tỉnh Thái Nguyên có 36 xã khu vực III và 184 thôn (khu vực I, II) ĐBKK, thì nay giảm xuống còn 14 xã khu vực III và 50 thôn (khu vực I, II) ĐBKK.

Tương tự tại huyện Trấn Yên (Yên Bái), chỉ còn nguồn tuyển sinh tại 4 thôn thuộc 2 xã (Hồng Ca, Lương Thịnh). Theo đó, tỷ lệ học sinh DTTS ở các vùng khó khăn được học tại các trường PTDT nội trú không bảo đảm 10% theo mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 22 của Tỉnh ủy.

QĐ 861 ra đời, các thôn, xã vùng ĐBKK giảm đã tác động đến công tác tuyển sinh đầu năm học của các trường PTDT nội trú, cũng như tâm lý của người dân ở những địa bàn vừa ra khỏi diện ĐBKK.

Chị Phùng Thị Tấm, người dân xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) cho biết: "Dù gia đình vừa mới thoát nghèo, nhưng điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn. Tôi rất muốn cho con đi học trường PTDT nội trú để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đỡ lo lắng tiền học cho con, nhưng do xã thuộc vùng I, nên rất khó xin vào học".

Không riêng gì các trường PTDT nội trú bị ảnh hưởng, các trường PTDT bán trú cũng bị tác động. Đáng quan tâm là, nhiều học sinh ở những thôn, bản, xã vừa ra khỏi ĐBKK không được hưởng chế độ hỗ trợ chính sách đã chuyển sang xin học tại các xã nghèo...

Minh chứng như ở bản Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa - một xã nông thôn mới, thuộc huyện Mường Ảng (Điện Biên). Cả bản có 16 học sinh THCS thì cả 16 em đều xin chuyển sang học tại xã Ẳng Tở và Ẳng Cang, là các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới để được hưởng các chính sách ưu đãi.

Ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng phòng Giáo dục huyện Mường Ảng lo lắng nói: "Phòng Giáo dục đào tạo không quy định học sinh phải học theo tuyến, tuy nhiên nếu học sinh xin chuyển nhiều sẽ gây mất cân bằng, không bảo đảm quy mô trường lớp".

Khi đã có sự điều chỉnh về chính sách, cần có những hướng dẫn và điều chỉnh về chế độ tuyển sinh phù hợp với đối tượng, khu vực, để duy trì hệ thống các trường PTDT nội trú, bán trú
Khi đã có sự điều chỉnh về chính sách, cần có những hướng dẫn và điều chỉnh về chế độ tuyển sinh phù hợp với đối tượng, khu vực, để duy trì hệ thống các trường PTDT nội trú, bán trú

Gỡ vướng trong mùa tuyển sinh 

Để gỡ vướng trong công tác tuyển sinh vào các trường PTDT nội trú ở Thái Nguyên, trước thềm năm học 2021 - 2022, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định 39, mở rộng đối tượng tuyển sinh là con em DTTS sinh sống ở địa bàn xã vùng I, vùng II, nên các trường PTDT nội trú trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc tuyển sinh cho năm học.

Bà Đỗ Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Phú Lương cho biết: Sau khi UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định 39, vùng tuyển sinh đầu vào mở rộng hơn, không còn chỉ giới hạn trong lượng học sinh ở số ít vùng ĐBKK còn lại của địa phương, nên nhà trường đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

Nhiều thôn, xã ra khỏi diện ĐBKK, chính sách hỗ trợ cho học sinh DTTS thay đổi, tác động trực tiếp học sinh
Nhiều thôn, xã ra khỏi diện ĐBKK, chính sách hỗ trợ cho học sinh DTTS thay đổi, tác động trực tiếp học sinh

Tuy nhiên, theo bà Hường, Quyết định 39 của UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ có hiệu lực trong năm học 2021 - 2022. “Trong năm học 2022 - 2023, Trường vẫn chờ hướng dẫn của Sở Giáo dục về công tác tuyển sinh. Hy vọng về lâu dài, cần có những chính sách phù hợp với việc phát triển hệ thống các trường PTDT nội trú”, bà Hường chia sẻ.

Tương tự các trường PTDT bán trú cũng đã chủ động tìm giải pháp để phụ huynh và các em học sinh yên tâm đến lớp, khi chính sách ưu đãi bị cắt giảm.

Thầy Bùi Văn Thủy, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường PTDT Bán trú TH&THCS Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết: Do xã không thuộc diện ĐBKK, nên trường không còn được thụ hưởng chế độ bán trú. Giải pháp trước mắt là, Nhà trường đã chủ động tổ chức lại mô hình bán trú dân nuôi và kêu gọi tài trợ để duy trì mô hình.

“Hiện Trường PTDT Bán trú TH&THCS Sín Thầu đã được Quỹ Dự án Nuôi em (Trung tâm tình nguyện quốc gia - Trung ương Đoàn) hỗ trợ 2 bữa ăn/ngày cho các em học sinh, với số tiền 14.000 đồng. Nhà trường hỗ trợ nấu ăn, gia đình góp gạo và chất đốt để bảo đảm điều kiện cho các em đến lớp học tập” thầy Thủy cho biết thêm.

Mặc dù có nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển sinh của các trường PTDT nội trú, bán trú, nhưng các địa phương, các ngành các cấp đã chủ động tháo gỡ gướng mắc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, vẫn cần có cơ chế chính sách dài hơi, để duy trì hệ thống các trường PTDT nội trú, bán trú.

Bài 2: Tuyển sinh vào trường PTDT nội trú, bán trú đứng trước nhiều khó khăn: Linh hoạt để phù hợp với tình hình mới